Triển khai cấp mã số vùng trồng rừng
Nhằm minh bạch hóa thông tin về nơi trồng rừng, góp phần đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc gỗ, đặc biệt khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi cung sản xuất gỗ và chế biến lâm sản toàn cầu, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 2260/QĐ-BNN-LN về việc hướng dẫn tạm thời cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu. Theo Quyết định, quá trình triển khai thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng được thực hiện trong thời gian 24 tháng trên địa bàn 5 tỉnh phía Bắc là Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái.
Lãnh đạo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang trao Giấy chứng nhận cấp mã số vùng trồng rừng cho chủ rừng đầu tiên trên cả nước - Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn ( Tuyên Quang)
Mã số vùng trồng rừng là một loại mã định danh được cấp cho từng vùng rừng trồng nhằm quản lý nguồn gốc, đặc điểm và quy trình trồng, chăm sóc rừng. Nền tảng cho việc cấp mã số vùng trồng rừng là hệ thống iTwood, một công cụ hỗ trợ quản lý chuỗi cung gỗ theo thời gian thực.
Kết quả sau 4 tháng thực hiện thí điểm cấp mã số trồng rừng, đến nay đã xây dựng được nền tảng cơ sở dữ liệu vùng trồng rừng ở 5 tỉnh, cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu cho 1.500 chủ rừng, với 3.350 ha được cấp giấy chứng nhận, kế hoạch của năm 2024 sẽ cấp 15.000 ha. Từ 5 tỉnh thí điểm ban đầu kể trên và mở rộng tại Cà Mau, Đồng Nai, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Trị.
Tại tỉnh Quyên Quang, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS) vừa phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang trao chứng nhận cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn. Mã số được cấp có diện tích 1 ha, trồng thuần keo lai từ năm 2022, thuộc vùng trồng rừng nguyên liệu Đội 821, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn. Đây là mã số vùng trồng rừng đầu tiên cấp cho chủ rừng tại Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình được Bộ Nông nghiệp và TNT thí điểm tại 5 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái.
Tại tỉnh Yên Bái, Chi cục Kiểm lâm tỉnh lựa chọn xã 4 xã Đại Đồng, Phú Thịnh, Thịnh Hưng và Tân Hương, huyện Yên Bình thực hiện việc triển khai cấp mã mới trồng rừng. Đồng thời, tại đây, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái hướng dẫn các chủ rừng là hộ gia đình của 4 xã này đăng ký mở tài khoản trên hệ thống iTwood với tổng số 495 hộ gia đình tham gia. Đến nay có 465 tài khoản được kích hoạt và vận hành đăng ký mã số vùng trồng rừng.
Tỉnh Yên Bái cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu đầu tiên cho đại diện chủ rừng là hộ gia đình
GS. TS. Võ Đại Hải, Viện trưởng Viện Lâm nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Cấp mã số vùng trồng là một yêu cầu quan trọng nhằm minh bạch hóa thông tin về nguồn gốc sản phẩm và công nghệ để tạo ra sản phẩm đó. Số hóa vùng trồng rừng gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu cho các chủ rừng trên phạm vi toàn quốc là bước tiến quan trọng của ngành lâm nghiệp, không những đáp ứng yêu cầu quốc tế mà còn chú trọng xây dựng công cụ quản lý lâu dài như định danh số cho tất cả các lô rừng trồng trên cả nước, bao gồm đầy đủ thông tin về chủ rừng, quyền sử dụng đất, vị trí tọa độ địa lý và hiện trạng vùng trồng rừng.
Mã số vùng trồng rừng là đầu vào quan trọng để thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: V. Hải
TS. Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế lâm nghiệp chia sẻ: Với nền tảng là hệ thống iTwood, sử dụng mô hình điện toán đám mây - một công cụ hỗ trợ quản lý chuỗi cung gỗ theo thời gian thực, iTwood hỗ trợ người sử dụng truy xuất nguồn gốc gỗ nhanh chóng. Như vậy, lâu dài hơn, ngoài việc mã số vùng trồng rừng sẽ là đầu vào quan trọng cho các hoạt động như cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, thích ứng với những quy định khắt khe của quốc tế như EUDR (Quy định không gây mất rừng của EU), đó còn là hỗ trợ đắc lực cho hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng. TS. Hoàng Văn Sơn ví dụ: Tiền dịch vụ môi trường rừng, hiện nay Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đều chuyển về quỹ địa phương để thực hiện chi trả. Diện tích rừng nhận tiền dịch vụ môi trường rừng liên tục tăng qua các năm. Tuy nhiên, việc chi trả khá mất thời gian, vì vậy diện tích của mỗi chủ rừng được minh bạch hóa theo mã số vùng trồng, người dân sẽ chủ động hơn trong việc nhận hỗ trợ và khích lệ người dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Theo ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết: Bước đầu việc cấp mã số trồng rừng đã đạt được một số kết quả, nhưng quá trình triển khai thực hiện thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Đó là, khối lượng công việc kiểm tra, rà soát, đối chiếu thông tin về quyền sử dụng đất, trạng thái lô rừng, chủ rừng khi cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu tốn nhiều thời gian, nguồn lực thực hiện, diện tích rừng cấp mã số vùng trồng trên cùng một bìa đỏ phải cấp nhiều mã khác nhau. Người dân chưa nhận thức được sự cần thiết và lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng...
Ông Triệu Văn Lực nhấn mạnh: Trong thời gian tới để việc thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu đảm bảo kế hoạch và tiến độ đề ra, cần phải phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đảm bảo thực hiện, việc thí điểm cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu sẽ thu được những kết quả tốt, làm cơ sở để tổng kết đánh giá để nhân rộng trên phạm vi cả nước ở giai đoạn 2026.
P. Thu
-
2.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giải quyết hai mục tiêu cốt lõi
-
3.
Tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm
-
4.
Quy định mới về dịch vụ môi trường rừng
-
5.
Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Mông Cổ
-
6.
Gần 300 gian hàng tham dự Hội chợ triển lãm Nông nghiệp quốc tế lần thứ 24