Quy định mới về dịch vụ môi trường rừng
Vừa qua, Cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tổ chức hội nghị “Triển khai một số nội dung Nghị định số 91/2024/NĐ - CP về dịch vụ môi trường rừng và Nghị định số 107/2022/NĐ-CP”.
Hội nghị có sự tham dự của gần 190 đại biểu đến từ Cục Lâm nghiệp, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trên cả nước và đại diện bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (EVN)...
Nghị định số 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (Nghị định số 91/2024/NĐ-CP), trong đó có một số quy định mới về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Cụ thể, quy định về bổ sung đối tượng phải chi trả tiền DVMTR, quản lý, sử dụng nguồn thu tiền DVMTR, xác định nguồn thu để thực hiện các quy định pháp luật về tài chính, đặc biệt là nghĩa vụ thuế với nhà nước…
Nghị định chỉ rõ, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và cơ sở nuôi trồng thủy sản có thể thực hiện chi trả trực tiếp cho bên cung ứng DVMTR hoặc nộp tiền DVMTR ủy thác thông qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh quyết định mức chi trả cụ thể (tối thiểu bằng 1% tổng doanh thu thực hiện trong kỳ) thay vì chỉ thực hiện hình thức chi trả trực tiếp như theo quy định trước đây tại khoản 4, 5 Điều 59 của Nghị định số 156/2018/NĐ - CP. Trước đó, qua kiểm toán chuyên đề việc quản lý sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Kiểm toán nhà nước chỉ ra rằng mức thu phí dịch vụ môi trường rừng của một số loại hình sử dụng dịch vụ môi trường rừng còn ở mức khá thấp nên mức chi trả cho bên cung cấp dịch vụ chi trả còn chưa thỏa đáng…
Đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản là tổ chức nuôi trồng thủy sản hoặc liên kết với các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định danh sách tổ chức phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng
Nghị định số 91/2024/NĐ-CP đã bổ sung một số nội dung chi không thường xuyên đối với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh. Đồng thời, cũng mở rộng nội dung chi của chủ rừng là tổ chức (trừ doanh nghiệp), để chi trả lương và các khoản có tính chất lương cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước trường hợp ngân sách nhà nước chưa đảm bảo đầy đủ.
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu đều nhận định rằng Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ra đời đã cơ bản giải quyết được nhiều bất cập thời gian qua, đặc biệt đối với các chủ rừng là tổ chức, từ đó sẽ góp phần thúc đẩy tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách chi trả DVMTR trong tương lai.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam Trần Quang Bảo, nhấn mạnh: Chính sách chi trả DVMTR đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành lâm nghiệp. Triển khai Nghị định số 91/2024/NĐ-CP và Nghị định số 107/2022/NĐ-CP sẽ mở ra cơ hội khai thác thêm những tiềm năng, giá trị đa dụng quý giá từ rừng, đặc biệt là giá trị về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng...
Hương M
-
2.
Cần đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số để phục vụ phát triển ngành nông nghiệp
-
3.
Công đoàn Cơ quan Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện nhiệm vụ bằng cả trách nhiệm và trái tim
-
4.
Tăng cường kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu
-
5.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế
-
6.
Diễn đàn Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người - 2024