Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam
Ngày 4/4/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Tọa đàm Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan tới dự và chia sẻ tại Tọa đàm.
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Phát biểu tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết: Hiện nay, tổng diện tích rừng của Việt Nam là hơn 14,8 triệu ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 10,1 triệu ha phải bảo tồn, giữ nguyên và chỉ còn gần 4,7 triệu ha rừng trồng có thể khai thác, tổ chức sản xuất phục vụ phát triển kinh tế lâm nghiệp. Ngày 29/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 208/QĐ-TTg ban hành Đề án phát triển các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Đề án đặt mục tiêu chung là phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, đây là mục tiêu hoàn toàn đúng đắn, khi các nước cũng đang hạn chế xuất khẩu để phục vụ thị trường trong nước. Hiện, cả nước mới có khoảng 500.000 ha trồng gỗ lớn. Không phải diện tích rừng trồng nào cũng có thể phát triển gỗ lớn. Nhiều địa phương có diện tích rừng lớn nhưng do lập địa, đất đai khó phát triển gỗ lớn. Vấn đề thứ hai là loài nào có thể phát triển gỗ lớn. Thay cho trước đây chỉ phát triển trồng loại cây phát triển nhanh, sớm có tán rừng, ngày nay thị trường có nhu cầu về những loài gỗ riêng. Việt Nam rất phong phú về các loài keo hay nhiều loài bản địa rất tốt, cần lựa chọn được loài nào có thể phát triển thành gỗ lớn, ứng phó được thiên tai.
Ông Trần Nho Đạt, Phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Cục Lâm nghiệp) cho biết, hằng năm, rừng Việt Nam cung cấp khoảng 31 triệu m3 gỗ, góp hơn 17 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, rừng còn có tiềm năng lớn về giảm phát thải, hấp thụ, lưu giữ carbon và cung cấp dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, bảo tồn, phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, chủ yếu là thiếu quy hoạch vùng trồng gỗ lớn tập trung, chưa có tổ chức sản xuất theo chuỗi và mức thu còn chưa tương xứng với giá trị mang lại.
Bà Phạm Thu Thủy, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) cho biết, qua khảo sát từ gần 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển mạnh về lâm nghiệp như Phần Lan, xã hội hóa trồng rừng đang là lựa chọn được nhiều nước ưu tiên. Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển mạnh về trồng rừng là tài chính hóa các cơ chế chính sách liên quan về rừng. Chẳng hạn, họ xây dựng thị trường tín chỉ đa dạng sinh học hoặc coi các khu rừng như cổ phiếu và mua bán trên sàn chứng khoán.
Bà Ngô Nữ Huyền Trang, Trưởng phòng Đối ngoại phụ trách phát triển bền vững Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam cho rằng, việc xã hội hóa trồng rừng là cần thiết. Tuy nhiên, bà băn khoăn liệu các nguồn lực đầu tư có đi đúng hướng và góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển giá trị gia tăng, đảm bảo sinh kế cho người dân. Dù còn một số hạn chế, công tác xã hội hóa trồng rừng đang ngày càng được người dân và doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, hưởng ứng, góp phần thực hiện các chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp…
Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, cần có tư duy mới về rừng trong bối cảnh phải cân đối giữa sứ mệnh giữ rừng và tạo ra giá trị từ rừng. "Quan điểm thuê người dân giữ rừng cần chuyển đổi sang làm thế nào để tạo ra được nhiều việc làm, nhiều sinh kế dưới tán rừng thì mới bền vững. Nếu chúng ta khám phá được những giá trị to lớn hơn thì các doanh nghiệp cũng sẽ vào cuộc, cùng người dân và cơ quan chức năng để bảo vệ và phát triển rừng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, rừng không chỉ là kinh tế, giá trị môi trường mà còn giá trị về cộng đồng, giá trị về văn hóa, tín ngưỡng ngàn đời của bà con. Khi bà con hiểu được những giá trị này sẽ chủ động giữ và phát triển rừng. Cũng từ quan điểm này khi xây dựng các chính sách thì mới có thể cùng các doanh nghiệp thay đổi tư duy. “Thay vì quan hệ mua - bán với người trồng rừng, cần ngồi lại với nhau để xem đó là sự đầu tư, hợp tác với người dân. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể phối hợp với người dân, tạo nên một chuỗi liên kết, hình thành các hợp tác xã, tạo ra sự ưu tiên cho những cộng đồng, tạo ra không gian để bà con có thể giữ rừng một cách tự nguyện và hiệu quả”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
TV