Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Lồng ghép các thực hành quản lý rừng bền vững vào chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ Sáu, 14:15 ngày 09/08/2024

Sáng ngày 9/8/2024 tại Hà Nội, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Lồng ghép các thực hành Quản lý rừng bền vững vào Chi trả Dịch vụ Môi trường rừng - Kết quả bước đầu” với sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng với các đại biểu trong và ngoài ngành lâm nghiệp...

Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam Võ Đại Hải phát biểu tại hội thảo

Với việc ban hành Nghị định 99/2010/NĐ-CP, lần đầu tiên ở Việt Nam, giá trị môi trường của hệ sinh thái rừng được thể chế hóa, hình thành Dịch vụ Môi trường rừng (DVMTR) để đưa vào đời sống xã hội, tạo mối quan hệ kinh tế giữa bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng DVMTR, tạo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, hình thành nguồn lực tài chính được xã hội hóa bền vững phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng. Hiện nay, chi trả DVMTR được quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật bảo vệ môi trường năm 2020; hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam Võ Đại Hải cho biết, tính đến hết năm 2022, chi trả DVMTR đã được thực hiện tại 45 tỉnh; tổng số tiền đã thu được hơn 16 ngàn tỷ đồng tiền DVMTR, bình quân 1.550 tỷ đồng/năm góp phần bảo vệ và phát triển bền vững hơn 6,5 triệu ha rừng/năm và hơn 250 ngàn hộ gia đình cá nhân được hưởng lợi. Số tiền bình quân mỗi hộ được chi trả khoảng 250.000 đồng/hộ/năm. Riêng năm 2023, tổng số tiền thu được từ DVMTR là 4,13 tỷ đồng, tăng 0,16% so với năm 2022. Như vậy, các hộ gia đình và chủ rừng khác đã và sẽ nhận được lợi ích ngày càng lớn từ chi trả DVMTR.

Ông Nguyễn Chiến Cường, đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam chia sẻ, Quỹ đã hỗ trợ chủ rừng xây dựng và triển khai phương án quản lý rừng bền vững (QLRBV), 71/114 chủ rừng tại 15 tỉnh triển khai phương án QLRBV, bảo vệ rừng, trồng, chăm sóc, phòng cháy chữa cháy, tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR. Xây dựng cơ sở dữ liệu phương án và bản đồ QLRBV. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng tiền DVMTR, nâng cao năng lực hệ thống quỹ bảo vệ phát triển rừng (BVPTR); các chủ rừng, cộng đồng, tăng cường kiểm tra, giám sát,… truyền thông nâng cao nhận thức vai trò của rừng, DVMTR với sinh kế và môi trường.

Quang cảnh hội thảo

Sau hơn 12 năm thực hiện (2011-2023), chi trả DVMTR đã trở thành một chính sách lớn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; được các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân đồng tình ủng hộ và thực hiện; nhân dân hưởng ứng và tham gia mạnh mẽ. Chính sách đã nhanh đi vào cuộc sống và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, đưa chi trả DVMTR là một trong 10 thành tựu nổi bật nhất của ngành nông nghiệp và PTNT trong giai đoạn 2011-2015 và tiếp tục giữ vững là một trong những lĩnh vực hàng đầu của ngành lâm nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về các kết quả của dự án, về thực trạng áp dụng các tiêu chuẩn QLRBV vào chương trình PFES - Nghiên cứu điểm tại tỉnh Quảng Trị cũng như những đề xuất cho việc lồng ghép các tiêu chuẩn quản lý rừng cải tiến cho các hộ sản xuất nhỏ vào Chương trình Chi trả DVMTR (PFES).

Trang Nguyễn

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!