Kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi lợn

Thứ Năm, 08:30 ngày 15/08/2024

Ngày 14/8/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng cho biết, năm 2023 chăn nuôi lợn phát triển ổn định trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang chăn nuôi bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp, chăn nuôi trang trại theo chuỗi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiên tiến ngày càng gia tăng. Ngành chăn nuôi của Việt Nam từ manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp trước đây thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 trên thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng.

Cũng theo ông Phạm Kim Đăng, trong 6 tháng đầu năm 2024, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thắt chặt nhập khẩu, tăng cường phòng chống nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu, giá sản phẩm chăn nuôi tăng trên giá thành sản xuất thu hút tái đàn nên tổng đàn lợn vẫn duy trì tốc độ phát triển tốt. Hiện, tổng số lợn của cả nước khoảng 25,5 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023.

“Trước tình hình diễn biến phức tạp của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là yêu cầu cấp bách cho chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Chăn nuôi an toàn sinh học không chỉ áp dụng cho các trang trại chăn nuôi lợn mà còn áp dụng ở tất cả các khâu của chuỗi như vật tư đầu vào, thức ăn, giống, giết mổ, chế biến...”, ông Đăng chia sẻ.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đến nay cả nước có 306 ổ dịch tả lợn châu Phi thuộc 100 huyện của 29 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh là 34.304 con, số lợn chết và tiêu hủy là 34.416 con.

“Hiện tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh vẫn còn tồn tại, và công tác quản lý giết mổ, vận chuyển lợn trong vùng dịch bệnh vẫn chưa được thực hiện theo quy định. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, đặc biệt UBND cấp huyện, xã”, ông Minh cho hay.

Mô hình nuôi lợn an toàn sinh học ở tỉnh Quảng Trị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo, từ nay tới cuối năm là thời điểm quan trọng để ngành chăn nuôi tập trung tháo gỡ những khó khăn, chuẩn bị điều kiện cần thiết để đảm bảo đủ nguồn cung an toàn, chất lượng. Các địa phương, đơn vị phải xây dựng ngay kế hoạch chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để hạn chế phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Kiểm soát tốt dịch bệnh, quản lý chặt chẽ công tác giết mổ, chế biến gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm…

“Hiện giá thị lợn đang ở mức khá cao đã đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và doanh nghiệp sau một thời gian bị thua lỗ. Do đó, ngành chăn nuôi đặt ra yêu cầu vừa bảo đảm tăng trưởng, nguồn cung thực phẩm, bảo đảm người chăn nuôi có lãi song chúng ta cũng cần sớm có những giải pháp quyết liệt, kịp thời để chỉ số CPI tăng ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

TV

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!