Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Khắc phục sau thiên tai về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ Hai, 17:05 ngày 30/09/2024

Thiệt hại do thiên tai làm hàng trăm nghìn héc ta diện tích rừng bị đổ gãy, ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng và đời sống chủ rừng, Cục Lâm nghiệp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện một số công tác khắc phục sau thiên tai về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế.

Tỉnh Quảng Ninh thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế. Ảnh: TL

Cụ thể, xây dựng và trình phê duyệt phương án sử dụng kinh phí dự phòng tại Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao, khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài theo quy định.
Cùng đó, tổ chức kịp thời chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng có kinh phí thực hiện quản lý bảo vệ rừng, ổn định đời sống và hỗ trợ khắc phục sản xuất kinh doanh sau thiên tai theo quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018; Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Ngoài ra, cần khẩn trương thống kê diện tích rừng bị thiệt hại làm cơ sở xây dựng và trình phê duyệt phương án trồng lại rừng từ nguồn kinh phí trồng rừng thay thế kết dư chưa có kế hoạch sử dụng tại Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh theo quy định.
Thực hiện văn bản 1431/LN-QBVPTR ngày 25/9/2024 của Cục Lâm nghiệp, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đồng loạt triển khai. Tại Hà Tĩnh, ngày 30/9/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản 5796/UBND-NL4 giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các bên liên quan khắc phục sau thiên tai về chính sách trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện theo đề nghị của Cục Lâm nghiệp.
Trước đó, nhằm khắc phục những thiệt hại đối với diện tích rừng do thiên tai gây ra, khẩn trương khôi phục sản xuất sau bão, lũ, Cục Lâm nghiệp đề nghị các địa phương có rừng, ngay sau khi kết thúc đợt thiên tai, khi điều kiện bảo đảm an toàn tổ chức thống kê, phân loại diện tích, mức độ rừng bị thiệt hại theo quy định tại Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT - Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra để thực hiện hỗ trợ theo quy định.

Theo Cục Lâm nghiệp xác định 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có thiệt hại về rừng sau siêu bão số 3, trong đó 2/3 diện tích tại tỉnh Quảng Ninh. Một số công ty lâm nghiệp gần như bị xóa trắng rừng trồng, rừng tự nhiên cũng ảnh hưởng nghiêm trọng; tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh giảm hơn 10%, chưa thể thống kê hết thiệt hại diện tích và mức độ thiệt hại của rừng, nhưng bước đầu xác nhận khoảng 1/3 trong tổng số hơn 340.000ha đất có rừng bị tàn phá, ảnh hưởng tới sinh kế của hàng chục nghìn hộ trồng rừng ở vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh.

                                                                        T. Yên

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!