Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu

Thứ Hai, 08:15 ngày 05/08/2024

Sáng ngày 2/8/2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA và RCEP.

Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo của Văn phòng SPS Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, các quốc gia thành viên WTO đã đưa ra 551 thông báo và dự thảo biện pháp SPS được gửi đến Việt Nam. Trong đó, có 115 thông báo về thay đổi mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật hoặc kháng sinh, sức khỏe động vật, thực vật, thức ăn chăn nuôi...
Tại hội nghị, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa cho biết, việc Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEF)… cơ bản đã tạo ra sân chơi công bằng và rộng lớn hơn với các đối tác lớn từ Đông Bắc Á đến các nước châu Âu. Hội nghị nhằm tăng cường phổ biến, cập nhật các quy định an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) để giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân tham gia chuỗi sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm và thủy sản nâng cao nhận thức, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu.
Các hiệp định thương mại tự do dỡ bỏ hàng rào thuế, đặc biệt nhiều thị trường đã cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với nông sản tươi và qua chế biến, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất - chế biến nông sản, thực phẩm.
Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng hàng hoá, nông sản bị cảnh báo, tăng tần suất kiểm tra, thậm chí trả/tiêu huỷ khi xuất khẩu, ông Lê Thanh Hòa lưu ý, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân phải tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, sản xuất theo chuỗi, góp phần giúp chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào.
Cũng theo ông Lê Thanh Hòa về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự phối hợp đồng bộ hơn giữa đơn vị đầu mối (Văn phòng SPS, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường) doanh nghiệp, hiệp hội để xử lý hiệu quả các vấn đề như lô hàng bị cảnh báo, vướng mắc trong thực thi liên quan đến SPS.
Hiện nay, các thị trường nhập khẩu liên tục thay đổi biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thuỷ sản Việt Nam phải liên tục cập nhật và đáp ứng để giữ vững thị trường…

                                                                                               Tam Hưng

 

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!