Công bố triển khai Đề án Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp
Ngày 18/10/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 44.
Nhân sự kiện này Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công bố và triển khai Đề án “Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp và PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Ký thỏa thuận thành lập Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam; Khởi động Chương trình chung của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cơ chế đối tác và tài chính cho chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở Việt Nam”.
Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, ngài Rémi Nono Womdim chủ trì sự kiện này. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên toàn quốc, có khoảng 150 đại biểu trực tiếp tham dự…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị
Ngày Lương thực Thế giới 2024 với chủ đề: “Quyền tiếp cận lương thực thực phẩm vì một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn” là cơ hội để chia sẻ rộng rãi những cam kết toàn cầu đối với việc bảo đảm quyền tiếp cận lương thực thực phẩm phù hợp cho tất cả mọi người, thông qua các hệ thống lương thực thực phẩm được chuyển đổi bền vững và công bằng.
Hiện tại, có khoảng 733 triệu người đang thiếu đói, chủ yếu do xung đột, thời tiết cực đoan, bất bình đẳng và suy thoái kinh tế. Hơn 2,8 tỷ người không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. Mỗi năm, có hơn 600 triệu người bị ngộ độc thực phẩm và 420.000 người tử vong do ăn phải thực phẩm bẩn.
Ngài Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho biết, quyền tiếp cận thực phẩm là một quyền cơ bản của con người, tương tự như đối với không khí và nước. Tại Đông Nam Á năm 2022, 36,3% dân số không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam có tỷ lệ dân số không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng nhờ áp dụng các chính sách công trong ba thập kỷ qua. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia Đông Nam Á có chi phí thấp nhất cho một chế độ ăn uống lành mạnh, đó là 3,96 USD/người/ngày.
“Các yếu tố về biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm vì nó thay đổi cách vi khuẩn, ký sinh trùng và hóa chất tương tác với thực phẩm của chúng ta cũng như tốc độ chúng phát triển và lây lan. Để đảm bảo hệ thống lương thực thực phẩm của chúng ta luôn dồi dào, giá cả phải chăng và bổ dưỡng, chúng ta phải chuyển đổi chúng một cách hiệu quả, toàn diện, linh hoạt và bền vững hơn”, ngài Rémi Nono Womdim chia sẻ.
Khoảng 150 đại biểu trực tiếp tham dự sự kiện tại Hà Nội
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, chủ đề Ngày Lương thực Thế giới năm nay đã nhấn mạnh nhu cầu thực phẩm phải mang tính đa dạng, đảm bảo dinh dưỡng, giá cả phải chăng, dễ tiếp cận, an toàn và bền vững cho tất cả mọi người. Việc đảm bảo tính đa dạng đối với các loại thực phẩm dinh dưỡng cần phải được thực hiện ngay từ trên các cánh đồng, tại từng ngư trường, tại mọi khu chợ, cũng như trên mọi bàn ăn, vì lợi ích của tất cả mọi người.
Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, đóng góp 12% GDP của quốc gia (năm 2023), tạo việc làm cho gần 40% lao động và góp phần quan trọng cho xóa đói giảm nghèo.
“Chúng tôi sẵn sàng chung tay hợp tác với các đối tác quốc tế một cách toàn diện các vấn đề về thương mại, đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, khoa học công nghệ và đào tạo, truyền thông theo tinh thần đa dạng hóa đối tác, làm bạn với tất cả và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Cũng trong buổi lễ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và tổ chức FAO tại Việt Nam đã cùng thông qua thỏa thuận “Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam”. Mục tiêu tổng thể của thỏa thuận là hỗ trợ thực hiện các lộ trình quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, qua đó góp phần vào an ninh lương thực quốc gia và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia và toàn cầu vào năm 2030.
Để biến tầm nhìn này thành các hoạt động cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và thông qua lộ trình quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Lộ trình thúc đẩy quyền tiếp cận thực phẩm thông qua các chính sách và chương trình về hệ thống lương thực thực phẩm để đảm bảo khả năng tiếp cận bình đẳng với đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm bổ dưỡng, an toàn; tăng cường quan hệ đối tác công - tư…
TV
-
2.
Cần đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số để phục vụ phát triển ngành nông nghiệp
-
3.
Công đoàn Cơ quan Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện nhiệm vụ bằng cả trách nhiệm và trái tim
-
4.
Tăng cường kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu
-
5.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế
-
6.
Diễn đàn Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người - 2024