Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giải quyết hai mục tiêu cốt lõi
Nhằm phát triển bền vững hệ sinh thái rừng theo chức năng đa mục đích của rừng; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, nâng cao khả năng phòng hộ, phòng chống thiên tai của rừng, trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số đề án, dự án, chính sách trọng tâm về ngành lâm nghiệp...
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: CL
Trong số các đề án trọng tâm phải kể đến Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai; Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chính sách đầu tư trong lâm nghiệp quy định tại Nghị định số 58/2024/NĐ-CP và Nghị định 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Nghị định mới đã tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thời gian qua.
Triển khai từ năm 2011, diện tích rừng được bảo vệ từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng có xu hướng tăng qua các năm. Năm 2012, diện tích rừng được bảo vệ từ nguồn tiền này hơn 3,6 triệu ha, đến năm 2023 đã có khoảng 7,3 triệu ha rừng được quản lý, bảo vệ... Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương có kết quả thực hiện chính sách chi trả hiệu quả. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên rừng và cải thiện đời sống người dân tại các địa phương có rừng mà còn góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, tài nguyên đất, nước, điều tiết biến đổi khí hậu...
Tổng hợp số liệu báo cáo từ 42 tỉnh, thành phố với 106 ban quản lý rừng đặc dụng và 115 ban quản lý rừng phòng hộ với tổng diện tích 3,95 triệu ha cho thấy, tổng diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ khoán cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng bảo vệ là 2,2 triệu ha. Theo báo cáo từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2024, cả nước có trên 227 ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhận được nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích rừng được chi trả là trên 3,35 triệu ha, tương ứng với tổng số tiền là trên 1.315 tỷ đồng. Cụ thể, có 78 ban quản lý rừng đặc dụng được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, diện tích được hưởng là gần 1.377 nghìn ha, số tiền được hưởng là hơn 504 tỷ đồng. Có 149 ban quản lý rừng phòng hộ được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, diện tích được hưởng là hơn 1.973 nghìn ha, số tiền được hưởng là gần 811 tỷ đồng.
Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp cho cộng đồng dân cư, những người dân sống ở vùng miền núi có thêm thu nhập, tạo động lực để họ tham gia bảo vệ, phát triển rừng và cải thiện sinh kế. Ngoài việc tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đến với các chủ rừng chính sách này còn hỗ trợ nâng cao chất lượng rừng để có giá trị cho việc cung cấp gỗ lâm sản. Đồng thời cũng nâng cao khả năng hấp thụ carbon, giúp Việt Nam thực hiện tốt các dịch vụ về đất, nước, chống xói mòn, giảm phát thải khí nhà kính.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giải quyết đạt hai mục tiêu rất cốt lõi: Nâng cao diện tích, chất lượng rừng và nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng. Khi làm được điều này, sẽ có rất nhiều lợi ích khác về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường…
Phát triển mở rộng dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: CL
Tỉnh Thanh Hóa có tổng diện tích rừng là 647.437 ha, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 53,75%. Trong đó, diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng gần 400.000 ha, số tiền chi trả hàng năm 30 - 35 tỷ đồng. Ông Hà Minh Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng chống thiên tai Thanh Hóa khẳng định: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có vai trò quan trọng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng đang góp phần đảm bảo an ninh rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo thêm thu nhập, giúp người dân miền núi phát triển nông thôn.
Ông Huỳnh Đức, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Quảng Nam cho biết: Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã huy động các tổ chức, cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, qua đó góp phần nâng cao, ý thức, trách nhiệm, đối với công tác bảo vệ rừng. Sử dụng tài nguyên rừng phát triển thành một nghề rừng tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sát biên giới.
Năm 2025, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, về phát triển dịch vụ môi trường rừng, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho rằng: Cần duy trì và phát huy tiềm năng, giá trị của rừng trong việc cung cấp các loại dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện thí điểm chuyển nhượng giảm phát thải khí nhà kính tại các tỉnh Bắc Trung bộ theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ và xem xét từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật, góp phần thúc đẩy việc thương mại hóa tín chỉ carbon rừng trên thị trường.
C.Lan
-
2.
Cần đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số để phục vụ phát triển ngành nông nghiệp
-
3.
Công đoàn Cơ quan Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện nhiệm vụ bằng cả trách nhiệm và trái tim
-
4.
Tăng cường kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu
-
5.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế
-
6.
Diễn đàn Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người - 2024