Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thanh Hóa: Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu, 09:35 ngày 20/12/2024

Với sự tham gia tích cực của các cấp hội, phụ nữ Thanh Hóa đã góp phần to lớn vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cũng như tạo nên diện mạo mới cho các vùng nông thôn. Bằng nhiều hoạt động thiết thực và sáng tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định vị thế của mình trong tiến trình đổi mới toàn diện của tỉnh.

Mô hình “hàng rào xanh” tại xã Đồng Thịnh, huyện Ngọc Lặc

Tính đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM); có 369 xã và 753 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 2 huyện, 116 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 27 xã và 530 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 564 sản phẩm OCOP được công nhận. Hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Hậu Lộc đạt chuẩn NTM; đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, phân hạng 04 sản phẩm OCOP 5 sao.
Sức mạnh từ cộng đồng phụ nữ nông thôn
Từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã nhận thức sâu sắc rằng, phụ nữ là một lực lượng quan trọng có thể tạo ra những thay đổi lớn. Họ không chỉ là những người giữ vai trò chính trong gia đình mà còn là nhân tố tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Với quyết tâm đó, Hội LHPN các cấp đã phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực, khuyến khích chị em phụ nữ tham gia vào xây dựng NTM một cách tự nguyện và có hiệu quả.
Một trong những chương trình tiêu biểu mà Hội LHPN tỉnh triển khai là phong trào "Phụ nữ Thanh Hóa chung tay xây dựng NTM", thu hút sự tham gia của hàng nghìn phụ nữ tại các xã, thôn trên địa bàn tỉnh. Thông qua phong trào này, phụ nữ đã góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện cảnh quan môi trường, bảo vệ vệ sinh, phát triển kinh tế và thúc đẩy văn hóa, giáo dục. Tất cả những hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích trước mắt mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nông thôn Thanh Hóa.

Mô hình “nhà xanh, vườn đẹp” tại huyện Nông Cống

Với phương châm “thêm 1 bông hoa, bớt 1 túi rác”, hội viên phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đang góp sức mình làm đẹp cảnh quan môi trường bằng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả. Nhiều cách làm sáng tạo và sự nhiệt huyết, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ các cấp đã góp phần xây dựng làng quê, khu dân cư đáng sống. Trong cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội LHPN Thanh Hóa đã triển khai nhân rộng được 354 mô hình, trao hơn 32.100 làn nhựa, 13.000 thùng rác, vận động hỗ trợ xây dựng 4.595 hố phân loại rác thải tại hộ gia đình; trên 37.063 nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo theo tiêu chuẩn; trao 100.000 bếp đun tiết kiệm năng lượng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ gia đình đang sử dụng bếp đun kiểu truyền thống trị giá 30 tỷ đồng. 

Nổi trội trong thực hiện tiêu chí số 07: Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam đó là Hội LHPN huyện Triệu Sơn và Yên Định. Hội LHPN huyện Triệu Sơn đã xây dựng mô hình hàng rào xanh và tuyến đường hoa, cây xanh tại 11 xã, đơn vị trên địa bàn huyện, mỗi đơn vị chọn ít nhất 1 tuyến có chiều dài 3 km trở lên gắn với phân loại xử lý rác thải sinh hoạt. Cứ thứ 7, chủ nhật hàng tuần, cán bộ, hội viên, phụ nữ lại tập trung ra quân trồng, chăm sóc đường hoa, cây xanh nhộn nhịp như “đại công trường”. 
Tại huyện Yên Định, là một trong những huyện đang nỗ lực phấn đấu đạt huyện NTM nâng cao năm 2024, Hội LHPN đã đảm nhiệm xây dựng nhiều mô hình cụ thể, thiết thực. Nổi bật là mô hình vườn mẫu; đường hoa, hàng rào xanh, nhà sạch vườn đẹp... Trong hai năm 2022 - 2023, toàn huyện có 144 vườn mẫu được hỗ trợ kinh phí của UBND huyện. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện đã trồng mới được 52 km các tuyến đường hoa, cây xanh với 530 cây các loại. 
Chị Trịnh Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Định cho biết, ban đầu khi triển khai mô hình trồng hoa, hàng rào xanh, hội viên và người dân chưa mặn mà hưởng ứng tham gia, nhưng thấy “lăn lộn”, “trăn trở”, nhiệt huyết, trách nhiệm của cán bộ Hội các cấp đồng thời được tận mắt chứng kiến thành quả ban đầu của mô hình, nhiều hội viên, người dân đã thay đổi suy nghĩ, hành động tích cực hơn. Ở nhiều chi hội, các chị trổ tài khéo léo, sáng tạo nên những chậu hoa được tận dụng lại từ phế liệu đầy màu sắc, bắt mắt, rồi trồng các loại hoa dễ chăm sóc như hoa mười giờ, bông dừa... để trang trí tuyến đường. Những con đường hoa sắc màu rực rỡ đã thay thế các con đường trước đây nhiều rác và cỏ dại, người dân phấn khởi, xắn tay vào tham gia trồng, chăm sóc đường hoa và dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Mô hình trồng dứa của phụ nữ xã Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Phụ nữ làm kinh tế giỏi - động lực phát triển nông thôn
Ngoài việc góp phần bảo vệ môi trường và cải thiện cảnh quan, phụ nữ Thanh Hóa còn là lực lượng quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn. Hội LHPN đã phát động và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó có các chương trình khuyến khích phụ nữ sản xuất nông nghiệp sạch, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi.
Phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi" đã giúp nhiều chị em vươn lên thoát nghèo, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống. Các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ như trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã được triển khai rộng rãi. Nhiều chị em phụ nữ tại các xã vùng cao, vùng sâu của Thanh Hóa đã trở thành những tấm gương sáng trong việc phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng một nền kinh tế nông thôn vững mạnh. Tính đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ gần 2.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, trong đó thành lập mới 416 doanh nghiệp do nữ làm chủ, hỗ trợ thành lập mới 43 mô hình kinh tế tập thể, hỗ trợ 198.747 hội viên phụ nữ vay vốn với tổng dư nợ do Hội quản lý đạt 12.973.228 triệu đồng; phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 135.915 người, dạy nghề cho 22.568 phụ nữ. Đặc biệt, giúp đỡ 67.272 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng nhiều hình thức trị giá trên 29,5 tỷ đồng.
Với sự hỗ trợ của các cấp hội LHPN, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Hà Trung đã tự tin, mạnh dạn phát huy kiến thức, kinh nghiệm ứng dụng vào thực tế khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như chị Lê Thị Luyến tại thôn Đông Trung, xã Hà Bình, huyện Hà Trung. Chị Luyến cho biết, trước khi có mô hình trang trại hiệu quả như hiện nay, chị gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, gắn bó nhiều năm với đồng ruộng mà chưa thoát nghèo. Với quyết tâm tìm hướng đi mới để cải thiện kinh tế gia đình, được sự hỗ trợ của các cấp hội LHPN, chị Luyến đã được tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hà Trung tạo điều kiện cho vay 80 triệu đồng chương trình vốn vay giải quyết việc làm để đầu tư mở rộng trang trại nuôi gà. Chị Luyến cũng chia sẻ thêm: “Được hỗ trợ vay vốn và được các cán bộ, hội viên phụ nữ tại địa phương giúp đỡ về kỹ thuật chăn nuôi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tôi đã duy trì trang trại nuôi gần 1.000 con gà thịt và đẻ trứng. Tôi và các lao động trong gia đình có việc làm ổn định, tổng thu nhập 1 năm từ mô hình đạt từ 150 đến 200 triệu đồng”.

Chi hội phụ nữ thôn Duyên Lộc, xã Định Hải, huyện Yên Định thực hiện quét dọn, chăm sóc cây cảnh trên con đường kiểu mẫu của thôn

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa còn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng quản lý tài chính, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và kinh nghiệm kinh doanh. Qua đó, hàng nghìn phụ nữ đã có cơ hội tiếp cận với nguồn lực tài chính và các kiến thức cần thiết để tự tin khởi nghiệp, làm chủ kinh tế gia đình.
Vai trò của Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa trong xây dựng NTM không chỉ dừng lại ở những kết quả đạt được mà còn hướng đến sự phát triển bền vững lâu dài. Hội LHPN các cấp đã không ngừng đổi mới phương pháp, đa dạng hóa hoạt động để phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương. Sự linh hoạt này đã giúp phụ nữ Thanh Hóa không chỉ làm tốt vai trò của mình trong gia đình mà còn là nhân tố then chốt trong các phong trào xã hội, từ bảo vệ môi trường đến phát triển kinh tế, đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng NTM. Phụ nữ Thanh Hóa đã và đang chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong việc thay đổi diện mạo nông thôn. 

Thu Quyên

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!