Tuyên Quang: Có 73/121 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, tính đến ngày đến ngày 15/11/2024, toàn tỉnh có 73/121 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới (NTM), 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đó là xã Thái Bình, huyện Yên Sơn và xã Bình Xa, huyện Hàm Yên.
Toàn tỉnh Tuyên Quang phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 95 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Phong trào xây dựng NTM của tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, sự bất ổn ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là việc triển khai Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn mới với nhiều chỉ tiêu, tiêu chí có yêu cầu cao hơn giai đoạn trước nhưng cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ tỉnh, đến huyện, xã, trong năm 2024 Tuyên Quang vẫn đặt ra mục tiêu là phấn đấu có ít nhất 12 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và phấn đấu đến 2025 có thêm huyện Sơn Dương, huyện Hàm Yên đạt chuẩn huyện NTM. Bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 16 tiêu chí/xã.
Với mục tiêu người dân là chủ thể của phong trào xây dựng NTM, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều hoạt động thiết thực trong sản xuất như phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được địa phương triển khai thực hiện có một cách hiệu quả. Các cấp chính quyền cùng người dân đã thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng NTM”, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và phòng chống rác thải nhựa”, Đề án xoá nhà tạm nhà dột nát cho hộ nghèo…
Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương, bên cạnh việc đầu tư hoàn thiện về cơ sở vật chất, tỉnh Tuyên Quang luôn chú trọng bảo tồn và phát huy những nét đẹp, bản săc văn hóa vốn có của đồng bào các dân tộc anh em, trong đó có các lễ hội dân gian. Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc, trên 80 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, 6 câu lạc bộ hát Páo Dung của dân tộc Dao, 25 câu lạc bộ bảo tồn và giữ gìn bản sắc của dân tộc Cao Lan…
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song quá trình triển khai, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, các xã triển khai mục tiêu xây dựng NTM trong giai đoạn tới chủ yếu là xã thuộc khu vực III, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Mức độ đáp ứng các tiêu chí quốc gia về NTM tại đây còn rất thấp, đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ các bên liên quan. Một số xã sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM đã gặp khó khăn trong việc duy trì tiêu chí, dẫn đến nguy cơ bị thu hồi quyết định công nhận. Tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn của chương trình còn thấp, chưa đảm bảo tiến độ so với kế hoạch đề ra. Các công trình giao vốn đầu tư chủ yếu là công trình khởi công mới năm 2024 nên đang trong quá trình thi công thực hiện, chưa có khối lượng để giải ngân, chưa thực hiện thanh quyết toán. Việc triển khai các mô hình thí điểm trong thực hiện các chuyên đề NTM còn nhiều lúng túng do lần đầu triển khai thực hiện…
Tỉnh Tuyên Quang có 73/121 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới
Với mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 95 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 30% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và phấn đấu đưa 2 huyện là Hàm Yên và Sơn Dương được công nhận đạt chuẩn huyện NTM, tỉnh Tuyên Quang cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành và chính quyền các địa phương để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như: UBND cấp huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, giải pháp để thực hiện duy trì, củng cố, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn NTM đảm bảo đáp ứng theo quy định của các Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các phòng, ban trong việc thực hiện duy trì, củng cố, nâng cao tiêu chí, xác định đây là một trong những nội dung để đánh giá cán bộ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đảm bảo hoàn thành kế hoạch chương trình đã đề ra, đồng thời chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách cấp huyện và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hoàn thành kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án và giải ngân các nguồn vốn đã được giao, thực hiện thanh toán, quyết toán vốn thực hiện Chương trình theo đúng quy định. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện giữ vững những tiêu chí như: Văn hoá, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh,... Vận động, hướng dẫn người dân lựa chọn học nghề phù hợp, tham gia thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất để củng cố, nâng cao các tiêu chí như thu nhập, hộ nghèo đa chiều, lao động… Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí theo Bộ tiêu chí hiện hành; chủ động tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn và đề xuất điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp trong quá trình thực hiện các tiêu chí do cơ quan, đơn vị phụ trách. Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu phụ trách nếu việc không giữ vững tiêu chí, chỉ tiêu đến từ nguyên nhân các cơ quan, đơn vị phụ trách chưa sâu sát, hướng dẫn chưa rõ ràng. Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng và triển khai các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tiếp cận với các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất…
Tam Hưng