Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Xây dựng sản phẩm OCOP trên cơ sở thế mạnh địa phương

Thứ Ba, 10:10 ngày 05/11/2024

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ chủ thể OCOP phát triển nhanh về quy mô sản lượng, chất lượng các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, hữu cơ, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu của thị trường...

Sản phẩm OCOP tỉnh Yên Bái, khẳng định lợi thế trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ năm 2019. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Yên Bái hiện có 248 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó có 226 sản phẩm đạt 3 sao, 25 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm trồng trọt chiếm 42 % tổng sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP. Đặc biệt, các sản phẩm đã có sự khác biệt, mang đặc trưng riêng, nhiều sản phẩm có nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý. Cụ thể như: Gạo Séng cù Mường Lò, bưởi Đại Minh, quế Văn Yên, gạo nếp Tú Lệ, miến đao Giới Phiên... nhiều sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài: Các sản phẩm từ quế, chè Suối Giàng, măng tre Bát độ…
Những năm qua, với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, sự nỗ lực cố gắng của các chủ thể doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất... nên Chương trình OCOP của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực xây dựng nông thôn mới.
Chương trình OCOP đã góp phần phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh Yên Bái, từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số. 
Chương trình OCOP đã mang lại chuyển đổi cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững. Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. 
Chương trình OCOP chung sức bảo tồn các giá trị văn hóa, phát huy các làng nghề truyền thống, từ đó góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn thông qua việc hỗ trợ các mô hình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Gắn kết doanh nghiệp làm du lịch với các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP, thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP đến với du khách và nhân dân.

Sản phẩm OCOP của huyện Trấn Yên

Là một trong những huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái, đến nay, huyện Trấn Yên đã xây dựng được 43 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 13 sản phẩm được công nhận trong năm 2023, 4 cơ sở đạt tiêu chuẩn HACCP. Chia sẻ về cách phát triển sản phẩm OCOP chuối tiêu sấy dẻo, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch UBND xã Việt Thành, huyện Trấn Yên cho hay: Để phát triển sản phẩm Hợp tác xã tự tìm tòi hướng đi riêng, khắc phục khó khăn từ khâu vùng nguyên liệu, UBND xã đã vận động các thành viên của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Việt Thành, nghiên cứu, đầu tư máy móc, kỹ thuật chế biến, để biến sản phẩm nông nghiệp thuần túy trở thành một sản phẩm OCOP mang lại giá trị hơn.
Xác định xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản phẩm OCOP, huyện Văn Yên chú trọng vào xây dựng các sản phẩm chủ lực trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Huyện Văn Yên hiện có gần 50 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Với thế mạnh có vùng quế lớn nhất cả nước, chất lượng cao, huyện đã tập trung xây dựng HTX Quế Văn Yên với ngành nghề kinh doanh chính chuyên thu mua, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây quế. Đến nay, HTX đã tạo ra các sản phẩm đa dạng, được thị trường đón nhận với 7 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh Yên Bái gồm: Bột quế, tinh dầu quế, lọ tăm quế, quế thanh, quế điếu và trà quế hồng sâm. 

Văn Chấn là một huyện miền núi, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, đến nay huyện đã tổ chức đánh giá, xếp hạng được 30 sản phẩm OCOP trong đó có 17 sản phẩm đạt 3 sao và 13 sản phẩm OCOP đạt 4 sao (chiếm 43% sản phẩm OCOP của huyện và chiếm 52% sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh). 
Sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện là trà. Đến nay toàn huyện Văn Chấn đã có gần 20 sản phẩm được sản xuất chế biến từ chè Shan tuyết Suối Giàng, như: Tuyết Sơn Trà, Lục Bách Niên, Hồng Liên Shan, Đại lão vương Trà, Diệp trà Suối Giàng, Hồng Trà suối Giàng, Hoàng Trà Suối Giàng… Trước đây người dân sản xuất chè chủ yếu ở dạng nguyên liệu chè búp tươi bán cho các đơn vị sản xuất chè đen giá trị sản phẩm thấp hiệu quả kinh tế không cao, thiếu tính bền vững. Tuy nhiên, nhờ có Chương trình OCOP đến nay các chủ thể đã đưa chè Shan tuyết Suối Giàng trở thành sản phẩm chế biến sâu. 
Việc xây dựng được sản phẩm OCOP là động lực thúc đẩy các hộ chú trọng trong  đầu tư chăm sóc, sản xuất chè, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao hiệu quả kinh tế tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần đưa xã Suối Giàng là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn hướng tới hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn tạo nên sản phẩm trà ở huyện Văn Chấn

Theo Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Yên Bái cho biết: Trong thời gian tới, để giữ vững giá trị và nâng cao chất lượng, xây dựng sản phẩm OCOP, ngành tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho các sản phẩm OCOP; tư vấn, hỗ trợ các chủ thể tham gia các chương trình hội chợ trong và ngoài nước. Ngoài ra hỗ trợ đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: VOSO, Lazada, tiki, postmark; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh... Kết nối với các tỉnh bạn tiếp tục phát triển thêm các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguốn gốc...
Mặc dù, còn đối diện với nhiều khó khăn, song với việc phát huy tốt những thế mạnh của địa phương, với cách làm hay, sáng tạo sẽ góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đạt được các tiêu chí trong lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Bởi mỗi sản phẩm OCOP được hình thành ở mỗi xã nông thôn mới là một bản sắc riêng, đó là sự thăng trầm, sự hồi sinh, phát triển nhân rộng và nâng tầm giá trị cho các sản phẩm không chỉ ở trong nước mà còn vươn tầm thế giới. 

                                                         Cẩm Uyên
 

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!