Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tuổi trẻ cả nước góp phần xây dựng nông thôn mới cho những vùng quê

Thứ Tư, 09:25 ngày 17/04/2024

Tháng Thanh niên năm 2024 đã diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, tạo nên không khí thi đua sôi nổi, đoàn kết, sáng tạo trong các cơ quan, địa phương. Tuổi trẻ trên cả nước đã tổ chức thành công nhiều công trình mang ý nghĩa xã hội, góp phần thực hiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần và góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) cho những vùng quê…

Với tinh thần tuổi trẻ xung kích, đã có hàng nghìn công trình thanh niên của các cán bộ đoàn trên cả nước trong suốt những năm qua góp phần hiệu quả vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Xuyên suốt nhiều năm qua, màu áo xanh trong những Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè đã mang về cho các vùng quê nghèo những con đường bê tông, biết bao tuyến đường điện sáng trưng, bao cây cầu nối mạch giao thông thuận tiện và đặc biệt đưa công nghệ về với người dân, chuyển giao khoa học kỹ thuật để những làng quê trở nên đáng sống hơn…
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có thể thấy được rằng những năm qua các Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè do Trung ương Đoàn tổ chức đã góp phần rất lớn vào việc giúp cho những vùng quê đạt được các tiêu chí về nông thôn mới và trở thành những làng quê đáng sống hơn.
Tháng thanh niên năm 2024 đã diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, tạo nên không khí thi đua sôi nổi, đoàn kết, sáng tạo trong nhiều cơ quan. Tuổi trẻ trên cả nước đã tổ chức thành công nhiều công trình, phần việc mang ý nghĩa xã hội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Có con đường mới người dân không lo bị ép giá nông sản
Tại Đồng Tháp, chúng tôi từng chứng kiến những nụ cười hạnh phúc, những ánh mắt đầy biết ơn của người dân ở xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) khi từ nay sẽ không còn lo bị ép giá nông sản vì đã có con đường mới rất bằng phẳng, xe chạy bon bon vào đến tận ruộng. Con đường ấy do đội hình sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đã không ngại nắng, ngại mưa để thi công.

Tuyến đường nông thôn mới tại tỉnh Đồng Tháp

Ông Nguyễn Văn Đông (ngụ ấp K10, xã Phú Hiệp, H.Tam Nông) cho biết, trước đây do đường đất nên trời mưa sình lầy, không đi được; người dân phải tự đổ đá để đi, nhưng đến mùa thu hoạch lúa, máy cắt, xe chở lúa chạy qua mấy lượt là đá lún hết xuống sình.
"Từ nay nông sản không sợ bị thương lái ép giá, vì con đường quyết định về giá cả nông sản rất nhiều, trước khi vào mua là thương lái xem con đường chuyên chở thế nào, nếu đường khó khăn thì tính thêm tiền chuyên chở, tiền nhân công rồi ép giá", ông Đông bộc bạch.
Trồng hơn 1.000 cây bần chống sạt lở ven kênh
Tại Cần Thơ, gần đây, công viên trong khu dân cư An Thới (KV.2, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) nhận được nhiều lời khen của người dân qua lại. Bởi mặt trước bức tường cao 0,6 m làm bờ kè chắn nước từ sông Hậu được thay "áo mới" đẹp đẽ. Những vết bẩn được xóa để thay thế bằng chuỗi các bức bích họa sinh động. Nội dung truyền tải gần gũi, dễ hiểu về bảo vệ môi trường, sinh vật biển; phân loại, chống rác thải nhựa; tiết kiệm điện, nước; an toàn giao thông nông thôn.
Công trình được thực hiện bởi Đoàn thanh niên phường An Thới cùng sinh viên tình nguyện Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Hơn 20 bạn trẻ đã cùng nhau làm việc trong 4 ngày để hoàn thành tác phẩm. Chiều dài bức tường làm bờ kè là 160 m, đội vẽ hơn 30 bức bích họa (dài khoảng 50 m) tại khu vực trung tâm có lắp các thiết bị tập thể dục, phần còn lại sơn mới.

Tuổi trẻ xung kích trồng 1000 cây bần ở Cần Thơ

Trong nhiều phần việc Tháng thanh niên, tuổi trẻ Cần Thơ còn mang đến món quà ý nghĩa cho vùng nông thôn xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ. Đó là trồng 1.000 cây bần chống sạt lở ven kênh Láng Sen - Láng Chiêm dài 4,2 km, nối 3 ấp (Quy Lân 5, 6, 7). Ngày ra quân, cả chính quyền xã, đoàn thanh niên, công an, dân quân tự vệ và người dân đều hào hứng chung tay góp sức.
Khu vực trồng bần chạy dọc đường giao thông nông thôn, trước đây bề ngang chỉ 2 m. Mới đây, huyện Vĩnh Thạnh đầu tư mở rộng đường 4 m, với số tiền hơn 9 tỉ đồng. Đoạn đường đang được đổ đá, xáng múc lấp đất hai bên. Ven bờ sông, người dân đồng thuận làm bờ kè bằng cừ tràm để chống sạt lở, nhưng hầu hết chưa có bần giống để trồng. Lực lượng thanh niên tình nguyện đã chia ra từng nhóm, người xoắn quần trồng cây trên bãi bồi, người đi bằng vỏ lãi trên sông.
Cõng điện lên non, chiếu sáng cả tương lai những đứa trẻ
Tại Quảng Nam, Nóc Ông Yên là một trong những bản làng khó khăn của xã Trà Dơn (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Nơi đây có khoảng 30 hộ dân, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, hàng chục năm qua điện lưới quốc gia vẫn chưa được kéo đến nơi. Để đem ánh sáng đến vùng cao heo hút này, Huyện đoàn Thăng Bình (Quảng Nam) phối hợp với Đoàn thiện nguyện Phan Đức thực hiện chương trình "Cõng điện lên non", lắp đặt đèn năng lượng mặt trời tại 1 điểm trường và 30 nhà dân.

Kéo điện lên làng Ông Yên, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My

Cũng tại nơi đây, điểm trường Ông Yên do thầy giáo Phạm Như Sỹ đảm nhận. Điểm trường có 15 học sinh gồm cả mẫu giáo, lớp 1 và lớp 2. Hơn 10 năm gắn bó với điểm trường này, thầy Sỹ thấu hiểu sự khó khăn, khổ cực của bà con và các em học sinh. Thầy Sỹ tâm sự: “Trước giờ, nơi đây không có điện, ban đêm chỉ le lói chút ánh đèn pin, các em nhỏ học bài rất cực. Giờ có điện rồi, sinh hoạt của mọi người sẽ đỡ hơn, những đứa trẻ trên bản cao có thể học được lâu hơn. Có thể nói, ánh điện không chỉ chiếu sáng cho một bản làng, mà dường như còn chiếu sáng cả tương lai cho những đứa trẻ nơi đây”.
Để vào đến ngôi làng này, hơn 40 bạn trẻ phải băng rừng, lội suối, leo qua những con dốc dựng đứng. Sau hơn 5 giờ đồng hồ vừa chạy xe vừa đi bộ, họ mới đến nơi. Vừa đến, cả nhóm nhanh chóng triển khai công việc. Để lắp đặt 30 đèn điện năng lượng mặt trời tới từng nhà dân, nhóm bạn trẻ chia nhau về các ngả. Người dân ở đây sống thưa thớt, mỗi nhà cách xa nhau hàng trăm mét nên vô cùng vất vả.
Theo Kế hoạch, trong thời gian tới Huyện đoàn Thăng Bình sẽ còn huy động nguồn lực để thực hiện dự án "đưa nước về bản" tại nóc Ông Yên. Từ đầu năm 2024 đến nay, Huyện đoàn Thăng Bình đã phối hợp tổ chức 4 chương trình lên các huyện vùng cao và đã trao tặng 3 công trình đèn năng lượng mặt trời trị giá hơn 150 triệu đồng cho 2 huyện miền núi Hiệp Đức và Nam Trà My. 

Văn Thọ
 

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!