Thanh Hóa: Huyện Cẩm Thuỷ đã có 18 sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương, qua đó mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Tính đến nay, huyện Cẩm Thuỷ đã có 18 sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Hội nghị Đánh giá sản phẩm OCOP huyện Cẩm Thủy
Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Cẩm Thủy đã đạt được những kết quả tích cực, diện mạo nông thôn từng ngày đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Những năm qua, huyện Cẩm Thủy đã tập trung xây dựng các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Các sản phẩm đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn giàu bản sắc văn hóa, môi trường xanh và phát triển bền vững. Đặc biệt là thúc đẩy về tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống... cho người dân nông thôn. Chương trình OCOP tại các địa phương tỉnh Thanh Hóa nằm trong tổng thể xây dựng NTM có nhiệm vụ trọng tâm là hướng đến khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh ở nông thôn; là giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân trong xây dựng NTM.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Thủy lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đến năm 2025 Cẩm Thủy trở thành huyện NTM. Để đạt được mục tiêu đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cẩm Thủy đã ban hành nghị quyết về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025”. Trên cơ sở đó, UBND huyện, các xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa những nội dung của nghị quyết. Bên cạnh đó, huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn; huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của huyện Cẩm Thủy - Thanh Hóa
Trước đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện Cẩm Thủy đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể. Huyện Cẩm Thủy đã có 12 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 98%. Ðến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 52,38 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,96%.
Mới đây, căn cứ vào kết quả chấm điểm, đánh giá sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2024 theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện Cẩm Thủy đã công nhận thêm 7 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Các sản phẩm được công nhận lần này, gồm: Trà xạ đen - cà gai leo Happy Life (xã Cẩm Bình); rượu phấn hoa mật ong Sơn Thành, dầu lạc nguyên chất Eva (thị trấn Phong Sơn); mật ong hoa rừng đồi bà Chúa Hích (xã Cẩm Liên); nem chua Chí Quý Bình Chí (xã Cẩm Quý); thịt hun khói Minh Hương (xã Cẩm Tú) và giò lụa Quyết Châu (xã Cẩm Yên).
Việc công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để các sản phẩm khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế. Đồng thời, tiếp tục tạo động lực để các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh nâng cao trách nhiệm, năng lực sản xuất, đưa thêm nhiều sản phẩm uy tín phục vụ thị trường.
Như vậy, với 07 sản phẩm mới được công nhận lần này, tính đến nay huyện Cẩm Thuỷ đã có 18 sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Trà xạ đen - cà gai leo Happy Life đạt chứng nhận OCOP 3 sao
Trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng để xây dựng thành sản phẩm OCOP, huyện Cẩm Thủy cũng đã hướng dẫn các chủ thể xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, thay đổi hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX; mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại địa phương để có nhiều sản phẩm OCOP; kiểm soát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp lợi thế của địa phương thành sản phẩm OCOP.
Minh Phú