Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP

Thứ Hai, 11:05 ngày 25/09/2023

Ngày 22/9/2023, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong (thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam; Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh Ngô Thị Phương Lan; Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, đơn vị thường trực Diễn đàn Kết nối nông sản 970 Nguyễn Ngọc Thạch chủ trì diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại diễn đàn

Theo Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Với chủ đề “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”, diễn đàn nhằm đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn tại các địa phương và đề xuất các giải pháp xúc tiến thương mại. Thông qua diễn đàn, các sản phẩm nông đặc sản địa phương được giới thiệu cho khách du lịch với kỳ vọng đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh cho biết, Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã bước sang năm thứ 13, khi tổng kết chương trình giai đoạn 1 (2010 - 2015), chương trình có hạn chế đó là nhiều địa phương còn tập trung quá nhiều cho phát triển hệ thống hạ tầng mà chưa chú trọng phát triển sản xuất nâng cao thu nhập của người dân ở nông thôn. Tuy nhiên, ở những năm đầu tiên ở giai đoạn 2 chương trình, từ năm 2016, Ban Chỉ đạo Trung ương và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chú trọng đến vấn đề này hơn và đưa ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất trên toàn nông thôn, giúp người nông dân nâng cao thu nhập. Từ đó, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP ra đời vào năm 2018.

“Đến nay, chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: Đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ”, ông Phương Đình Anh chia sẻ.

Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP

Phát biểu kết thúc diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, với hơn 300 điểm cầu, thu hút nhiều độc giả quan tâm theo dõi, nhất là bà con làm du lịch cộng đồng. “Các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, địa phương, doanh nghiệp đều hướng tới làm sao đẩy mạnh được phát triển du lịch nông thôn. Mặc dù thời gian qua, chương trình phát triển du lịch nông thôn đã đạt được nhiều hiệu quả, nhưng qua diễn đàn này, tôi càng thấy trách nhiệm của cơ quan được Chính phủ giao chủ trì là Bộ Nông nghiệp và PTNT cần nâng cao hơn nữa”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Việt Nam hiện có hơn 10.000 sản phẩm OCOP, các trung tâm OCOP đang hình thành, nhiều doanh nghiệp chú trọng liên kết với các địa phương trong tiêu thụ sản phẩm OCOP là những tín hiệu được Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá là đáng mừng. Bộ Nông nghiệp và PTNT đang định hướng đưa sản phẩm OCOP ra nước ngoài, kết nối thông qua các Đại sứ quán, tổ chức hội chợ OCOP tại châu Âu. Trong 5 năm vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT tập trung phát triển sản phẩm OCOP trong nước, phát triển số lượng, củng cố chất lượng. Mỗi đặc sản địa phương mang đặc trưng khác nhau của từng vùng miền. Để phát triển chất lượng nhiều hơn của các sản phẩm OCOP, Thứ trưởng đề nghị nên có các tổ kiểm tra định kỳ các sản phẩm OCOP, không để trường hợp 1 lần công nhận có hiệu lực 10 năm.

 

TV (t/h)

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!