Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Phúc

Thứ Tư, 11:05 ngày 20/11/2024

Vào cuối năm 2010, khi mới triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng xây dựng nông thôn mới (NTM), theo đánh giá, toàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ có 14 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí NTM, 80 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2020 và đang tiếp tục duy trì đạt chuẩn theo quy định giai đoạn 2021 - 2025. 

Người dân xã Trung Hà (Vĩnh Phúc) tích cực tham gia xây dựng các tuyến đường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp

Có được những thành quả đó là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và người dân cùng chung tay hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ông Đỗ Hải Triều, Phó Chánh văn phòng NTM tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đây là chương trình mục tiêu quốc gia nên địa phương đã huy động mọi nguồn lực xã hội, nhằm đảm bảo thực hiện một cách thành công; việc xây dựng NTM được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Với mục tiêu là xây dựng nông thôn Vĩnh Phúc giàu - đẹp - văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển theo hướng hiện đại; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Trong đó, chú trọng xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị. Đi đôi với phát triển kinh tế, địa phương luôn chú trọng xây dựng một hệ thống chính trị vững mạnh, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững, môi trường sinh thái được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn...
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 34 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, hơn 200 thôn được công nhận thôn NTM kiểu mẫu, 13 thôn thông minh… Một số huyện như Yên Lạc và Bình Xuyên đã được công nhận là huyện đạt chuẩn MTM; các thành phố như Vĩnh Yên và Phúc Yên tiếp tục thực hiện duy trì đạt chuẩn xây dựng NTM. Ngoài ra, các huyện như Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch và Sông Lô đến nay cơ bản đã đạt 3/4 điều kiện để xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Vườn Nho Hạ Đen của anh Trần Duy Đoan xã Nhân Đạo (Sông Lô, Vĩnh Phúc) mỗi năm tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua, vai trò chủ thể của người dân ở Vĩnh Phúc được thể hiện rõ nét trong mọi mặt của đời sống xã hội. Như trong công tác giải phóng mặt bằng, dồn thửa đổi ruộng, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế... Cụ thể, chỉ riêng giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh là hơn 7.000 tỷ đồng, trong đó, hơn 1.000 tỷ đồng là từ đóng góp của người dân... Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 50,79 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 là 0,44%, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 là 1,51%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 66,09%. 
Tuy nhiên, trong bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 – 2025 có những yêu cầu cao hơn trước, do đó việc xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Việc tư vấn, hỗ trợ các chủ thể tiếp cận các chính sách hiện hành của cơ quan triển khai cấp tỉnh, huyện còn chưa kịp thời và hạn chế, do đó chưa khuyến khích được các chủ thể trên địa bàn tỉnh quan tâm và tham gia. Một số sản phẩm OCOP của địa phương chủ yếu là các hộ kinh doanh, hợp tác xã, trình độ còn hạn chế nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ khi tham gia; nhiều chủ thể không có kinh phí để hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng…

Đường giao thông nông thôn ở xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc

Do vậy, để hoành thành mục tiêu từ nay đến năm 2030 phấn đấu xây dựng thành địa phương đi đầu trong việc xây dựng NTM, tỉnh Vĩnh Phúc cần tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ các xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, hỗ trợ thực hiện các nội dung của chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững. Thông qua cơ chế, chính sách tiếp tục phát huy, khuyến khích người dân và cộng đồng chủ động, tích cực đóng góp nguồn lực, tham gia thực hiện chương trình. Tiếp tục phát động, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng NTM” gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh; quán triệt tư tưởng xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc….
Việc toàn dân chung tay xây dựng NTM ở Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tam Hưng
 

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!