Mô hình chăn nuôi gà thịt bản địa theo hướng hữu cơ và chứng nhận OCOP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Tân Khánh
Tân Khánh là xã nông thôn mới nâng cao của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên tham gia thực hiện Dự án khuyến nông trung ương, giai đoạn 2022 - 2024 “Chăn nuôi gà thịt bản địa theo hướng hữu cơ và chứng nhận OCOP gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Dự án nhằm hướng dẫn các tổ, hội, nhóm, hợp tác xã, những người chăn nuôi gà các kỹ thuật chăn nuôi gà thịt bản địa hướng theo hữu cơ, hướng dẫn liên kết trong chăn nuôi, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, biết quy trình chứng nhận sản phẩm OCOP, biết áp dụng công nghệ trong quản lý sản xuất và quảng bá bán hàng.
Nhiều hộ gia đình ở xã Tân Khánh áp dụng thực hiện quy trình chăn nuôi theo hướng sản phẩm OCOP
Với mục tiêu giúp bà con nông dân có kiến thức, kỹ năng chăn nuôi gà hướng theo hữu cơ và chứng nhận sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, sau gần 3 năm thực hiện, mô hình “Chăn nuôi gà thịt bản địa theo hướng hữu cơ và chứng nhận OCOP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” đã đạt được kết quả bước đầu.
Tham gia Dự án, hộ ông Trương Văn Hướng, thành viên hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gà đồi Tân Tiến, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình cho biết: Gia đình nuôi 3.200 con gà Ri, trong quá trình nuôi gia đình được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi. Từ quá trình chuẩn bị chuồng trại, trang thiết bị, chuẩn bị và làm đệm lót sinh học, ủ thức ăn với chế phẩm sinh học đến theo dõi, hướng dẫn cập nhật số liệu và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, ghi nhật ký, hồ sơ sổ sách…đều được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tỉ mỉ. Để đảm bảo gà phát triển tốt, gia đình ông sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn giúp gà khỏe mạnh mà không dùng đến kháng sinh trong phòng trị bệnh; sử dụng đệm lót bằng mùn cưa bổ sung chế phẩm sinh học giúp chuồng nuôi thoáng sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Hộ gia đình ông Trần Văn Hướng có thu nhập cao hơn nhờ chăn nuôi theo hướng hữu cơ
Qua hơn 3 tháng nuôi theo hướng hữu cơ đàn gà sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống đạt 97%, trọng lượng trung bình 2,03 kg/con, tiêu tốn 2,6 kg thức ăn/kg tăng trọng; sau khi trừ các khoản chi phí hộ chăn nuôi thu lãi khoảng 121,6 triệu đồng; tăng 22,66% so với trước khi tham gia dự án. Chất lượng thịt gà được người tiêu dùng đánh giá là sản phẩm tốt; vừa qua, sản phẩm Gà đồi Tân Tiến - Gà tươi của HTX chăn nuôi gà đồi Tân Tiến được UBND huyện Phú Bình công nhận OCOP 3 sao.
Từ hộ gia đình ông Hướng nay tại xã Tân Khánh đã có 10 hộ đăng ký áp dụng thực hiện quy trình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, cũng như nuôi theo hướng sản phẩm OCOP và liên kết với HTX chăn nuôi gà đồi Tân Tiến tiêu thụ sản phẩm.
Theo PGS.TS Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao và Dịch vụ công nghệ sinh học hữu cơ cho biết: Các hộ tham gia mô hình của dự án và các học viên tham gia tập huấn được trang bị kiến thức theo quy trình này rất hữu ích: Không hoặc hạn chế thấp nhất việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi; hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, tận dụng tối đa các nguồn thức ăn chăn nuôi sẵn có tại địa phương, giảm chi phí đầu vào cho chăn nuôi (thức ăn, công lao động, thuốc kháng sinh, điện nước…), qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Mô hình bước đầu có tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi gà. Áp dụng đồng bộ quy trình nên chất thải như phân và nước tiểu gà phát sinh trong quá trình chăn nuôi cơ bản rất thấp do sử dụng đệm lót sinh học, nền chuồng không nhìn thấy phân gà, quanh chuồng có hệ thống cây xanh xung quanh nên giải quyết 90% mùi hôi, nền chuồng đông ấm, hè mát, gà khỏe mạnh cho năng suất chất lượng tốt hơn.
Áp dụng mô hình, đã có nhiều hộ tình nguyện thực hành chăn nuôi gà thịt bản địa hướng theo hữu cơ, tạo việc làm ổn định và nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi gà hướng theo hữu cơ, tạo ra bước đột phá mới trong tư duy chăn nuôi và tạo tiền đề cho các chuỗi liên kết chăn nuôi gà nói riêng và chăn nuôi nói chung trên địa bàn các tỉnh thành Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh thực hiện Dự án nói chung. Đây là mô hình có triển vọng nhân rộng để các hộ chăn nuôi gà phát triển trong những năm tới.
Hoàng Ngọc