Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp năm 2024

Thứ Năm, 15:55 ngày 25/04/2024

Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2024. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến hết tháng 3 năm 2024, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình NTM đã được ban hành, điều chỉnh đầy đủ, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, phù hợp hơn với điều kiện thực tế, đặc thù của các vùng, miền, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.

Cả nước hiện có khoảng 78% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, 1.860 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 340 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 283 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM, có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đã có 63/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành đề án/kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. 12.075 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên có 6.542 chủ thể OCOP, trong đó có 32,5% là hợp tác xã, 22 % là doanh nghiệp, 40,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Đặc biệt, đã có 2.642 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, từng bước chuyển đổi hoạt động, thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm, gắn với việc xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn, bao bì, nhãn mác và thương hiệu của hợp tác xã, thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho các thành viên. Phê duyệt danh mục 20 mô hình thí điểm tại 20 tỉnh, thành phố, tập trung vào định hướng xây dựng được mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 vẫn còn một số những vướng mắc, hạn chế như: Vẫn còn 2 tỉnh chưa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM; 11 tỉnh chưa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; 19/31 tỉnh chưa phê duyệt kế hoạch/dự án triển khai mô hình thí điểm của Chương trình OCOP; 15/20 tỉnh chưa phê duyệt kế hoạch/dự án triển khai mô hình thí điểm của Chương trình phát triển du lịch nông thôn; chưa có địa phương phê duyệt dự án/mô hình thí điểm của Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; mới có 1/15 tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai mô hình thí điểm của Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh. Kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, điển hình như: Đồng bằng sông Hồng: 100%, Đông Nam bộ: 92,9% trong khi đó miền núi phía Bắc mới đạt 50,3%, Tây Nguyên 59,9%; vẫn còn 4 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%, còn 05 tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đặc biệt, đến nay vẫn còn 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh “trắng xã NTM“.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, những kết quả đạt được của chương trình xây dựng NTM đã góp phần tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được cải thiện và cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn, hạn chế khi thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, cần quán triệt về tư duy, cách làm trong toàn hệ thống văn phòng, cán bộ tham mưu công tác xây dựng NTM từ Trung ương đến địa phương về nội hàm, định hướng, yêu cầu trong xây dựng NTM. NTM là Chương trình có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, đời sống của người dân nông thôn được nâng cao là điều kiện kiên quyết khi thực hiện Chương trình.

Khánh Quyên

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!