Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Hòa Bình: Phấn đấu đến cuối năm 2024 công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ Năm, 13:25 ngày 31/10/2024

Hòa Bình là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 63,3%, dân tộc Kinh chiếm 27,73%, dân tộc Thái chiếm 3,9%... Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, giá trị hàng hóa chưa cao, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung.

Các sản phẩm OCOP xuất khẩu tỉnh Hòa Bình

Vài năm trở lại đây, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là từ khi Hòa Bình bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng cao. Trong đó, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa phục vụ trong nước và xuất khẩu. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng, miền, đường giao thông nông thôn được mở rộng, đến tận những bản làng xa xôi nhất…
Ông Hoàng Văn Tuân, Phó Chánh văn phòng chuyên trách - Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hoà Bình cho biết, mặc dù khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có điểm xuất phát thấp, song với sự đồng lòng, vượt khó của cả hệ thống chính trị, đến nay bộ mặt nhiều vùng nông thôn đã đổi mới. Nếu như năm 2011 tỉnh Hòa Bình chỉ có 2 xã đạt 10 tiêu chí, 124 xã dưới 5 tiêu chí; số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá chỉ đạt 4,4 tiêu chí/xã, thì đến nay số xã đạt chuẩn NTM là 80/129 xã đạt 85,7% kế hoạch trung ương giao giai đoạn 2021 - 2025 và đạt 68,8% kế hoạch tỉnh đề ra. Số xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí là 2 xã; số xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí là 47 xã. Đến hết tháng 9/2024 số đơn vị cấp huyện thực hiện xây dựng NTM là 10/10, trong đó có 3 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là thành phố Hòa Bình, huyện Lạc Thủy và huyện Lương Sơn. Có 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn; xã Hoà Bình, thành phố Hoà Bình).

Nuôi cá dưới lòng hồ ở tỉnh Hòa Bình

Bên cạnh đó, song song với việc thực hiện phong trào xây dựng NTM, tỉnh Hòa Bình luôn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm có thế mạnh của địa phương, trong đó có Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Thực hiện Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 14/9/2022 về việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (2 sản phẩm OCOP tiềm năng hạng 5 sao; 32 sản phẩm OCOP hạng 4 sao và 124 sản phẩm OCOP hạng 3 sao) tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của địa phương được các khách hàng trong và ngoài nước tin dùng như: Cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá sông Đà, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ, nhóm dược liệu như cao cà gai leo, cao xạ đen, du lịch cộng đồng, thổ cẩm dân tộc...
Hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch ở địa được nâng cao, đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình luôn đôn đốc các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, giảm giảm tỷ lệ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Từ nay đến cuối năm, tỉnh Hòa Bình phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và chuẩn hoá thêm khoảng 16 - 20 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên…

Bưởi đỏ Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) đạt sản phẩm OCOP 4 sao

Để thực hiện được mục tiêu trên, ông Hoàng Văn Tuân cho rằng, trong thời gian tới các cấp, các ngành của địa phương cần tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như: Tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân nông thôn, hoàn thiện giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, tạo mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng NTM, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM”. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng và thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM. 
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung cho các tiêu chí về kinh tế, phát triển sản xuất, thu nhập, môi trường, chất lượng cuộc sống, hướng tới nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Phát triển toàn diện các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa trong xây dựng NTM. Quan tâm nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn, bảo tồn và phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ, các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn. Ưu tiên nguồn lực cho các địa phương thực hiện tốt, xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể để xác định, lựa chọn các địa phương có tiềm năng hoàn thành sớm công tác đạt chuẩn các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ đạt chuẩn NTM.

Hòa Bình phấn đấu đến cuối năm 2024 công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Hiện nay, ngoài nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp từ chương trình, cần tăng cường huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn theo nguyên tắc ưu tiên huy động, khai thác tối đa nguồn lực trực tiếp tại địa phương, các nguồn vốn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, nguồn huy động của cộng đồng, cá nhân để tập trung ưu tiên hỗ trợ các địa phương theo kế hoạch đạt chuẩn NTM…

                                                                              Tam Hưng
 

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!