Điểm sáng nông thôn mới xứ Nghệ
Thanh Tùng là một vùng bán sơn địa nằm phía hữu ngạn sông Lam, thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, cách thị trấn Dùng 19 km về phía Tây Nam. Với điều kiện địa hình phức tạp, núi đồi xen kẽ với đồng bằng thấp trũng.
Hàng năm xã Thanh Tùng gánh chịu từ 3 - 4 cơn lũ và ngập úng, về mùa mưa lũ, nước gần như toàn bộ diện tích canh tác lúa nên chỉ làm được một vụ lúa xuân, nhưng cũng tranh chấp với trời, cuối vụ thường xẩy ra giống lốc giai đoạn lúa ngậm sữa.
Thời tiết, khí hậu xã Thanh Tùng khá khắc nghiệt, mùa đông gió rét, mưa phùn nhiệt độ có năm dưới 100C ảnh hưởng nặng nề đến chăn nuôi gia súc, gia cầm, những năm mùa đông lạnh kéo dài trâu bò thường chết nhiều do rét. Đường sá đi lại lầy lội, khó khăn, những ngày mưa dầm rả rích thường kéo dài từ cuối mùa thu đến quá Tết Nguyên đán, cuộc sống và sản xuất đầy gian nan vất vả.
Về mùa hè, Thanh Tùng chịu tác động gió Lào (gió phơn Tây Nam) khô nóng thổi hầm hập suốt ngày đêm. Mùa này nước đồng ruộng, ao chuôm nóng, nhiều nơi khô hạn; cây cối trong vườn vàng cháy, canh tác nông nghiệp rất khó khăn.
Không chỉ điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt mà xã Thanh Tùng là vùng đất xa đô thị, giao thông đi lại khó khăn, giao thương và giao lưu xã hội cũng gặp nhiều khó khăn so với nhiều địa phương khác trong vùng hữu ngạn Thanh Chương.
Nhân dân xã Thanh Tùng làm đường giao thông nông thôn
Vùng đất hiếu học, khoa bảng
Mặc dù điều kiện khó khăn về mọi mặt, nhưng người dân xã Thanh Tùng có truyền thống hiếu học, là quê hương của các vị đại khoa nổi tiếng như Phó bảng Nguyễn Lâm Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Lâm Thái, Tiến sỹ Phạm Kinh Vĩ cùng nhiều nhà cách mạng, nhiều nhân sĩ trí thức trong đó nổi bật là cụ Võ Quý Huân người trí thức Việt kiều được Bác Hồ mời về nước và trở thành người sáng lập ngành luyện kim Việt Nam, người có nhiều đóng góp vô cùng to lớn cho dân tộc...
Truyền thống hiếu học được người dân xã Thanh Tùng tiếp tục phát huy đến ngày hôm nay, đóng góp sức lực, trí tuệ cho đất nước. Giáo dục các cấp tiểu học và THCS của xã Thanh Tùng hiện nay thuộc tốp đầu của huyện Thanh Chương.
Trong các cuộc kháng chiến, các thế hệ người dân xã Thanh Tùng đã đi theo tiếng gọi của Đảng của Bác Hồ góp sức mình vào công cuộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Toàn xã có 114 liệt sỹ, 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng trăm thương bệnh binh, người có công với cách mạng.
Không chỉ ra trận đánh giặc, mà Thanh Tùng còn là hậu phương vững chắc, căn cứ kháng chiến, toàn thể nhân dân đã đóng góp công sức, của cải nuôi dưỡng, che chở, hỗ trợ bộ đội đóng quân trên địa bàn, nhiều gia đình đã được trao tặng Huân chương kháng chiến...
Vượt khó vươn lên
Trong gian khó như vậy, nhưng người dân xã Thanh Tùng không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống, học tập, lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ tên gọi các làng Yên Thành, My Sơn, Yên Khánh, Thổ Hào, Tân Dân rồi Thanh Tùng ngày nay, dù trải qua nhiều tên gọi song vùng đất này vẫn có chung những truyền thống giàu lòng yêu nước, dũng cảm chống ngoại xâm, chống cường quyền áp bức; có tinh thần hiếu học và học giỏi, nhân dân đoàn kết, cần cù lao động, chắt chiu, xây dựng quê hương, đất nước.
Đi lên trong muôn vàn khó khăn, với xuất phát điểm thấp, trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Thanh Tùng đã đoàn kết, đồng lòng, dốc sức, đổi mới, tạo những bước chuyển mình bứt phá vươn lên trên nhiều mặt như kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá ngày càng được đẩy mạnh. Công tác đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo được quan tâm đặc biệt, thường xuyên thăm hỏi, chăm lo các gia đình chính sách, người có công và các đối tượng được bảo trợ xã hội. Chất lượng giáo dục các cấp học luôn duy trì tốp đầu của huyện.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, chăm lo. Vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên được phát huy, sự đồng thuận và khối đoàn kết toàn dân ngày càng được nâng cao.
Từ một vùng quê thuần nông, đến năm 2023, tổng thu nhập toàn xã đạt 250.546 triệu đồng, thu nhập bình quân hơn 48 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đường giao thông liên thôn, đường ngõ xóm trên địa bàn xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt trên 80%.
Các ngành nghề thương mại dịch vụ phát triển mạnh mẽ, toàn xã có gần 172 hộ sản xuất kinh doanh, có 2 công ty doanh nghiệp đang hoạt động; 5 cơ sở kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách; qua đó, tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động của địa phương.
Một góc xã nông thôn mới Thanh Tùng
Quyết tâm xây dựng nông thôn mới
Ông Phan Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng chia sẻ: “Xác định công tác xây dựng NTM với phương châm là có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND xã đã kịp thời tham mưu xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện mục tiêu xây dựng NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Giai đoạn 2021 - 2023, xã đã huy động được hơn 81 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 13,934 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân đã hiến hơn 6.818 m² đất, đóng góp hơn 9.800 ngày công lao động và thuê máy đào đắp 63.000 m³ đất đá để nâng cấp hệ thống đường giao thông; giải tỏa 10.000 cây có giá trị và 550 m bờ rào xây.
Từ năm 2021 đến nay, xã đã xây dựng hơn 7,2 km đường liên xã, 37,46 km đường thôn xóm, 37,7 km đường giao thông nội đồng; nâng cấp xây dựng, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ khang trang sạch đẹp; xây dựng một số công trình cầu, cống dân sinh, các cụm cột cờ cũng như hệ thống mương thuỷ lợi và nhiều mô hình kinh tế mang tính hàng hoá, mô hình vườn mẫu NTM cấp xã...
Qua 3 năm triển khai thực hiện, đến tháng 12/2023, xã đã đạt 19/19 tiêu chí NTM, xã Thanh Tùng đã được Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 616/QĐ-UBND ngày 20/3/2024 công nhận xã Thanh Tùng đạt chuẩn NTM năm 2023”.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập xã Thanh Tùng và đón nhận xã đạt chuẩn NTM, ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương ghi nhận những nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân xã Thanh Tùng trong những năm qua và mong muốn: “Thanh Tùng tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cần tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp gắn với đẩy nhanh thương mại, dịch vụ; trong tất cả các bước phát triển kinh tế phải luôn tính đến phương án bảo vệ môi trường sống.
Tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giải phóng sức lao động cho con người; gắn chặt sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, cần phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội.
Thường xuyên quan tâm công tác xây dựng Đảng bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Thường xuyên quan tâm xây dựng chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh. Nâng cao năng lực cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền. Tích cực chuyển đổi số, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thực hiện thủ tục hành chính nhanh, gọn, có kỷ cương, không gây phiền hà cho nhân dân.
Xây dựng đội ngũ cán bộ MTTQ và các đoàn thể biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, có năng lực vận động quần chúng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh”.
Phan Anh Thế