Các chủ thể OCOP, hợp tác xã, nghệ nhân chuyển đổi cách thức tiếp cận người tiêu dùng thông qua kênh thương mại điện tử
Nhằm trao đổi, chia sẻ những thông tin, giải pháp phát triển và nhân rộng các mô hình quảng bá, kinh doanh sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử, vừa qua, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã tổ chức Diễn đàn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử năm 2024.
Các chủ thể OCOP, HTX, nghệ nhân tham gia Diễn đàn
Tại Diễn đàn, Văn phòng điều phối NTM các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hợp tác xã, chủ thể OCOP đã chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường bằng công cụ hiện đại; phát triển sản phẩm gắn với thiết kế, sáng tạo theo xu hướng thị trường, mô hình quảng bá, kinh doanh sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP đặc biệt qua sàn thương mại điện tử.
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, hiện nay, người tiêu dùng, nhất là giới trẻ ngày càng có xu hướng chuyển dịch tiêu thụ, mua sắm sản phẩm từ kênh bán hàng truyền thống như: chợ, siêu thị… sang nền tảng số, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Bình quân mỗi năm thương mại điện tử tăng từ 21 - 25%. Từ đó, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP cũng được quảng bá, xúc tiến thương mại qua các nền tảng mạng xã hội không ngừng phát triển, tạo ra những hiệu ứng, tín hiệu rất khả quan, góp một phần không nhỏ trong việc bảo tồn, giới thiệu, quảng bá… các làng nghề, phố nghề, nghề truyền thống tới đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trà hoa vàng Quy Hoa, thương hiệu OCOP của huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh
Tuy nhiên, nếu chỉ thuần túy duy trì cách quảng bá, trưng bày, giới thiệu thì hiệu quả sẽ không cao mà những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP thông qua cách làm mới sẽ có thêm con đường đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là thế hệ trẻ. Đó là, các chủ thể OCOP, các nghệ nhân phải truyền tải được câu chuyện về sản phẩm do mình tạo ra, giúp người tiêu dùng thấu hiểu giá trị thực sự, hữu hình, vô hình của sản phẩm. Một đoạn video công phu, tỷ mỉ với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng sống động sẽ giúp nghệ nhân kể câu chuyện của mình được với nhiều người một cách nhanh nhất, dễ dàng nhất mà không mất đi cảm xúc ban đầu. Từ đó, hình thành cảm xúc, hiểu được giá trị thực sự của sản phẩm, đưa ra quyết định mua mà không phân vân việc mình đã chi một số tiền không nhỏ.
Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, đại diện TikTok Việt Nam cho biết: TikTok shop được khởi động từ năm 2022, đến nay, đã phát triển mạnh mẽ và trở thành 1 trong 3 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam. Với lợi thế về công nghệ, hành trình bán sản phẩm trên TikTok có thể thông qua các video giải trí. Điều này tạo ra cảm xúc cho người mua, hiệu ứng lan tỏa sẽ tốt hơn cách quảng bá thông thường. Cụ thể, theo báo cáo của YouNet ECL, thị phần giao dịch của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam quý I năm 2024, TikTok shop chiếm 23,2%, trong khi đó, Lazada là 7,6% và cao nhất là Shopee chiếm 67,9%
HTX nông sản sạch Thất Khê, Tràng Định, Lạng Sơn tại Hội chợ làng nghề năm 2024 tại Hà Nội
Đứng trước bối cảnh người tiêu dùng không chỉ mua sắm đơn thuần mà còn mua sắm để giải trí, khám phá... thì chủ thể OCOP, hợp tác xã, các nghệ nhân phải thay đổi cách thức tiếp cận. Một phiên livestream sẽ giúp nghệ nhân thuận lợi tìm được những người cùng chung sở thích, quan điểm… ở mọi lứa tuổi. Một kênh bán hàng hoàn toàn có thể trở thành một diễn đàn để người mua chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm sử dụng, tác dụng sản phẩm... Từ đó, sức hút, sự lan tỏa của những sản phẩm truyền thống sẽ nhanh hơn gấp nhiều lần.
Thu Quyên, Thanh Thanh