Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sản xuất lúa bằng phương pháp sạ cụm kết hợp bón vùi phân, liên kết tiêu thụ sản phẩm

Thứ Tư, 08:45 ngày 07/08/2024

Nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới trong gieo cấy lúa, phát triển cơ giới hóa trong các khâu sản xuất đặc biệt là khâu gieo cấy. Vụ Hè Thu 2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất lúa bằng phương pháp sạ cụm kết hợp bón vùi phân, liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Đây là mô hình tiến bộ kỹ thuật mới lần đầu tiên triển khai tại Quảng Trị.

Mô hình sản xuất lúa bằng phương pháp sạ cụm kết hợp bón vùi phân

Mô hình triển khai tại cánh đồng Bàu Lát, HTX Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải lăng trên diện tích 6 ha, với 11 hộ tham gia. Mô hình sử dụng giống lúa BQ có phẩm chất, năng suất, chất lượng tốt. Để triển khai mô hình Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã phối hợp cùng UBND xã Hải Quế chọn vùng sản xuất liền vùng liền thửa. Các hộ tự nguyện tham gia, có khả năng đối ứng vật tư, tuân thủ quy trình kỹ thuật.

Tham gia mô hình các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 50% vật tư phân bón, 50% kinh phí mua máy sạ cụm kết hợp bón phân vùi sâu. Để thực hiện mô hình cán bộ khuyến nông đã triển khai tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình, chỉ đạo thực hiện mô hình. Máy sạ cụm kết hợp bón vùi phân tiến hành gieo tại ruộng mô hình ngày 11/05/2024. Máy có chiều rộng băng sạ 3,0 mvới 12 hàng sạ, hàng cách hàng 25 cm, cụm cách cụm 14 cm; công suất làm việc 6-8 ha/ngày. Lượng phân sử dụng để vùi bón lót từ 200 - 220 kg/ha và lượng giống sử dụng là 60 kg/ha.

Mô hình sử dụng thiết bị sạ cụm kết hợp với bón vùi phân cùng lúc sẽ khai thác triệt để hơn các lợi thế của sạ cụm, đồng thời giảm thất thoát phân bón do bốc hơi hoặc trôi theo dòng nước nếu nước tràn mặt ruộng và qua đó cũng giảm ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Trí, thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng chia sẻ: Gia đình tôi có làm 3 sao, khi bắt đầu làm thì thấy cũng khó nhưng khi máy làm tôi thấy rất thuận tiện, việc sử dụng máy sạ cụm kết hợp bón vùi phân, giúp ruộng lúa có mật độ thích hợp, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng khoẻ, quang hợp tốt, đẻ nhánh mạnh, bông dài, hạt chắc trên bông tăng, tỷ lệ lem lép hạt thấp, ít bị sâu bệnh phá hại, cây lúa khỏe mạnh, bộ lá xanh bền, sạch sâu bệnh, giảm công lao động từ 1,5 - 2 công/sào.

Nếu như lượng giống bà con nông dân sử dụng sạ lan hiện nay phổ biến là 100 - 120 kg/ha thì khi sử dụng máy sạ cụm chỉ sử dụng khoảng 60 kg/ha, giảm được một lượng giống, từ 40 – 50% so với tập quán sạ dày. Phương pháp bón vùi phân có thể giúp giảm lượng phân bón 20 - 30% so với quy trình bón phân vãi trên mặt ruộng nhiều lần như cách làm lâu nay.

Mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới đảm bảo năng suất chất lượng và hiệu quả canh tác

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị Trần Cẩn cho biết: Mô hình triển khai đã có tác động lớn trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường: Bón vùi phân đồng thời cùng lúc với gieo sạ sẽ cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa kịp thời ngay từ những ngày đầu sau sạ, đảm bảo nhu cầu khoáng của cây lúa, giúp cây lúa sung sức, đẻ nhánh sớm, tập trung là yêu cầu cấp thiết cho ruộng lúa. Gieo sạ cụm, cây lúa tiếp xúc với phân và hút dinh dưỡng dễ dàng, hạn chế việc mất phân, kích thích rễ lúa ăn sâu, giúp hạn chế lúa đổ, ngã, khi gặp gió, mưa lớn vào giai đoạn trỗ - chín đồng thời tăng khả năng chịu hạn cho ruộng lúa nếu gặp hạn, nhất là ở vụ Hè Thu; giải quyết tình trạng thiếu lao động tại địa phương, giảm chi phí sản xuất; sản xuất lúa bằng phương pháp sạ cụm kết hợp bón vùi phân, giảm phân bón, cứng cây, gieo thưa ít sâu bệnh nên hạn chế thuốc sử dụng thuốc BVTV, đất đai được cải tạo hệ sinh thái đồng ruộng được cân bằng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương đánh giá, phương pháp sạ cụm là phương pháp góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa vào trong sản xuất đặc biệt là sản xuất lúa. Vì vậy, không chỉ diện tích lúa hữu cơ mà tất cả các đồng ruộng, đặc biệt các đồng ruộng đã dồn điền đổi thữa, tích tụ ruộng đất, có đồng ruộng bằng phẳng đều có thể nhân rộng mô hình này. Trong thời gian tới tỉnh Quảng Trị cũng có rất nhiều chính sách, đặc biệt chính sách phát triển cơ sở hạ tầng cho các HTX và có thể hỗ trợ cho các HTX trong việc nhân rộng mô hình này trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.

Ngoài hiệu quả lớn mang lại, việc triển khai mô hình đã nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới đảm bảo năng suất chất lượng và hiệu quả canh tác; thông qua mô hình giúp hộ dân trong vùng tiếp nhận kỹ thuật mới. Kết quả của mô hình đem lại là tiền đề cho nông dân, các địa phương mạnh dạn sản xuất diện rộng, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt là khâu gieo sạ, bón phân góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phan Toàn

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!