Quảng Bình: Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, từ năm 2023 đến nay được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Dự án đã góp phần mở ra hướng nuôi mới có hiệu quả cho người nuôi tôm trên địa bàn, thay đổi nhận thức của người dân trong việc phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững.
Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn tại xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch
Sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi tôm, ông Đàm Văn Thuyên, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch đã chuyển đổi khá nhiều phương pháp nuôi, tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm nên tôm thường bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế chưa được như kỳ vọng. Năm 2023, khi Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt ông Đàm Văn Thuyên đã đăng ký tham gia mô hình để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm sản xuất.
Được tham gia mô hình, ông Thuyên đã tích cực học tập kỹ thuật sản xuất, tuân thủ quy trình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nên tôm sinh trưởng và phát triển theo đúng tiến độ. Ông Thuyên cho biết, mô hình được chia làm 2 giai đoạn, gồm: giai đoạn ương dèo với mật độ 1.500 con/m2 và giai đoạn thương phẩm mật độ 135 con/m2. Sự phân chia giai đoạn khác hẳn với nuôi truyền thống, giúp kiểm soát được giai đoạn sinh trưởng của tôm, giảm tỷ lệ hao hụt ở giai đoạn sau. Nhờ được tập huấn kỹ thuật nên tiến độ nuôi bảo đảm quy trình, sau 100 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ trung bình 59 con/kg, tỷ lệ sống đạt trên 80%. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, gia đình ông đã tiến hành nuôi tiếp tục đến cỡ 30 - 35 con/kg.
Cũng như xã Quảng Châu, xã Hạ Trạch (Bố Trạch) là vùng đất có truyền thống nuôi tôm lâu đời, tuy nhiên hiện nay, nhiều hộ nuôi đã bỏ hồ vì dịch bệnh diễn ra thường xuyên, khiến nhiều hộ “trắng tay” vì tôm. Năm 2024, Trung tâm thực hiện nuôi tôm 2 giai đoạn tại hộ ông Lê Chiêu Quân xã Hạ Trạch với diện tích 0,6ha, với mong muốn thông qua mô hình này, nhiều hộ trong xã sẽ học tập, thực hiện để phát triển lại nghề nuôi tôm của xã.
Ông Lê Chiêu Quân cho biết, trên diện tích 0,6 ha tôm thẻ 2 giai đoạn nuôi trên ao đất lót bạt được Trung tâm hỗ trợ, ngay khi bắt đầu vào thực hiện, Trung tâm đã cử cán bộ xuống hướng dẫn xử lý ao hồ trước khi thả tôm, lựa chọn con giống phù hợp, hướng dẫn cách chăm sóc tôm theo từng giai đoạn, kỹ thuật san tôm, đặc biệt là ghi chép nhật ký vì thế từ lúc thả giống đến khi thu hoạch, tôm sinh trưởng tốt, không bị dịch bệnh, năng suất đạt cao hơn so với cách nuôi truyền thống trước đây.
Tôm sinh trưởng tốt, không bị dịch bệnh, năng suất cao hơn so với cách nuôi truyền thống
Phó phòng Chuyển giao kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình Hồ Thị Thủy chia sẻ: Sau 2 năm thực hiện, đến nay có thể khẳng định mô hình nuôi tôm thẻ 2 giai đoạn trên ao đất lót bạt phù hợp với các ao nuôi lâu năm kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Với hình thức nuôi tôm 2 giai đoạn góp phần hạn chế được dịch bệnh và nâng cao năng suất, chất lượng tôm, kiểm soát tốt môi trường cũng như mật độ tôm trong quá trình nuôi. Mô hình triển khai với quy mô 2,7 ha (2023 là 1,4 ha; 2024 là 1,3 ha) với 5 hộ tham gia; các chỉ số yêu cầu đều đạt, một số yêu cầu vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tỷ lệ sống giai đoạn 1 đạt từ 91-94% (kế hoạch 90%); năng suất đạt 18,9-19,1 tấn/ha (kế hoạch 12 tấn/ha).
Điểm khác biệt của mô hình nuôi tôm thẻ 2 giai đoạn so với nuôi tôm truyền thống là luôn phải bảo đảm sản xuất theo quy trình an toàn, yêu cầu hộ nuôi kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào như nguồn nước, thức ăn, con giống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, sản phẩm từ mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn luôn có truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua nhật ký ao nuôi, nên phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Cùng với đó, mô hình nuôi luôn kiểm soát tốt được các yếu tố môi trường, như: nhiệt độ, pH, COD... giúp bảo đảm sức khỏe và sự sinh trưởng, phát triển của tôm.
“Theo đánh giá bước đầu, mô hình cho năng suất cao hơn 15% so với nuôi tôm truyền thống, tôm có chứng nhận VietGAP lại được kết nối với các đầu mối thu mua tiêu thụ sản phẩm nên người nuôi chủ động và yên tâm trong quá trình sản xuất”, bà Thủy cho biết thêm.
Được biết, từ mô hình đã được nhiều hộ nuôi trong vùng, các vùng lân cận quan tâm tham quan học hỏi và áp dụng vào sản xuất. Theo thống kê, có 70% hộ nuôi nuôi tôm đã chuyển qua nuôi tôm 2 giai đoạn, tập trung tại các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và huyện Quảng Trạch. Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi đã áp dụng nuôi dưới các hình thức nuôi chuyên canh, nuôi kết hợp với cá, nuôi xen trong ruộng lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân làm chủ quy trình khoa học công nghệ, ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất tôm
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình Trần Thanh Hải cho biết: Nuôi tôm 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đã làm thay đổi tư duy sản xuất cho người dân trong việc mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Việc áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc và hoá chất là điều kiện quan trọng để hướng tới xây dựng sản phẩm tôm thẻ chân trắng an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong quá trình nuôi tôm đã áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP hướng người sản xuất có trách nhiệm với cộng đồng, thân thiện môi trường, tạo năng suất cao, phát triển bền vững...
Thùy Trang
-
2.
Mô hình liên kết trồng và tiêu thụ dưa chuột ở Lộc Yên
-
3.
Hiệu quả mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm
-
4.
Hòa Bình: Khuyến nông gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh, bền vững
-
5.
Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam - Nhật Bản kết nối chuỗi cung ứng nông sản