Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nuôi heo bằng thức ăn ủ men sinh học

Thứ Hai, 13:30 ngày 23/09/2024

Trong chăn nuôi heo, thức ăn chiếm 70 - 80% chi phí đầu tư. Do đó, việc sử dụng nguồn thức ăn hợp lý đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng nuôi các loại heo ở các giai đoạn khác nhau để cho sức sản xuất tối đa vừa bảo đảm chi phí thấp nhất nhằm tạo lợi nhuận cao nhất luôn là trăn trở của bà con chăn nuôi hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn 4, xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện đang nuôi 50 con heo (gồm 5 heo nái, 2 heo hậu bị và 43 con heo thịt), mỗi năm sản xuất trên 100 con heo thịt thương phẩm. Sau hơn 1 năm mày mò nghiên cứu, nuôi thử nghiệm trên 1 lứa heo (4,5 - 5 tháng/lứa) sử dụng thức ăn ủ men bằng chế phẩm sinh học đã đúc rút được kinh nghiệm và xây dựng được công thức ủ khá hoàn thiện để ứng dụng trong chăn nuôi heo tại gia đình.

Hồ chứa nước thải chăn nuôi (khoảng 60 m3) được ông Nguyễn Văn Thắng xử lý bằng chế phẩm sinh học để tưới cho cây trồng

Với kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Thắng đã chuyển từ nuôi heo hoàn toàn sử dụng thức ăn hỗn hợp công nghiệp sang phương thức tự chế biến thức ăn ủ men bằng chế phẩm sinh học (EM thứ cấp). Sử dụng thức ăn được lên men ủ bằng chế phẩm EM thứ cấp tiết kiệm được thời gian, không phải nấu, chất lượng thức ăn tốt, vật nuôi khoẻ mạnh, lớn nhanh, không có bệnh về đường tiêu hoá và phân thải ra giảm hẳn mùi hôi.

Ông Nguyễn Văn Thắng đang áp dụng thành công công thức ủ thức ăn bằng chế phẩm sinh học EM thứ cấp (để tạo ra EM thứ cấp cần 1 lít chế phẩm EM gốc + 2 lít rỉ mật đường + 37 lít nước = 40 lít EM thứ cấp). Với 20 lít EM thứ cấp + 5 lít rỉ mật đường + 1 kg cám gạo + 75 lít nước để 2 - 3 ngày, sau đó lấy 20 lít chế phẩm này ủ với 50 kg cám gạo, cám bắp trộn đều hoặc 100 kg bã đậu nành với 20 lít chế phẩm cho heo ăn hàng ngày.

Ngoài ra, để tăng hàm lượng đạm trong thức ăn cho đàn heo thịt từ 60 kg đến xuất chuồng, ông Thắng trộn thêm cám đậm đặc tỷ lệ đạm 44% (tỷ lệ phối trộn tùy thuộc vào lứa tuổi của heo theo khuyến cáo của nhà sản xuất), phối trộn với tỷ lệ 25 kg cám đậm đặc + 100 kg cám bắp + 50 kg cám gạo, với cách trộn này giúp tiết kiệm được 4.000 đồng/kg so với sử dụng thức ăn công nghiệp (thức ăn phối trộn giá 9.000 - 10.000 đồng/kg; thức ăn đậm đặc giá 13.000 - 14.000 đồng/kg. Lúc đầu cho heo ăn chưa quen nên cho chúng ăn ít nhưng chỉ khoảng 1 tuần sau chúng có thể ăn hoàn toàn bằng thức ăn ủ men.

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết: Trước đây, khi cho ăn thức ăn hỗn hợp công nghiệp heo nuôi 5 tháng 15 ngày (kể từ lúc sơ sinh) cho trọng lượng bình quân 100 - 105 kg/con, nhưng khi chuyển sang nuôi heo bằng thức ăn ủ men heo nuôi 5 tháng xuất chuồng bình quân từ 110 - 120 kg/con và đảm bảo tỷ lệ nạc cao, được nhiều thương lái ưu tiên tiêu thụ.

Sử dụng thức ăn bằng ủ men đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ đặc tính thức ăn lên men giúp heo dễ tiêu hóa, tỷ lệ hấp thu cao, hạn chế bệnh tiêu chảy, tăng sức đề kháng cho heo. Heo sinh trưởng nhanh, tăng trọng cao (rút ngắn thời gian nuôi so với nuôi bằng thức ăn hỗn hợp công nghiệp trước đó từ 15 - 20 ngày), chất lượng thịt được nâng cao (màu sắc đẹp, nạc mềm, thơm ngon nên được người tiêu dùng và thương lái ưu tiên lựa chọn).

Ông Nguyễn Văn Thắng nuôi heo thành công theo phương pháp mới

So với phương thức nuôi heo bằng thức ăn hỗn hợp công nghiệp trước đó thì sử dụng thức ăn tự chế biến và ủ men sinh học đã giảm chi phí đầu tư 20 - 30%, lợi nhuận 2 triệu đồng/con/5 tháng nuôi, trung bình 1 tháng xuất bán 10 - 15 con heo thịt, thu về 25 - 30 triệu đồng/tháng, trừ chi phí cho lợi nhuận 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, thức ăn lên men được heo hấp thu triệt để nên lượng phân thải ra ít và ít mùi hôi nên góp phần cải thiện môi trường, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm.

Để hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Thắng đã đào hồ chứa nước thải chăn nuôi (nước rửa chuồng trại, chất thải chăn nuôi…) với diện tích 60 m3 xử lý bằng chế phẩm sinh học, khoảng 10 - 15 ngày dùng máy hút tưới cho diện tích cà phê 1,5 ha tiết kiệm được chi phí đầu tư cho cây cà phê khá lớn trong 1 năm canh tác. Vườn cà phê được tưới phân hữu cơ phát triển xanh mướt và không sử dụng phân bón hóa học nên đất canh tác luôn tơi xốp, không chai cứng.

Ông Huỳnh Đức Thắng, cán bộ thú y xã Tà Nung cho biết: Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng đã áp dụng thành công phương pháp nuôi heo sử dụng thức ăn ủ men bằng chế phẩm sinh học (EM thứ cấp) giúp heo tăng sức đề kháng, phòng chống được các dịch bệnh, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm mùi hôi chuồng trại, không ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Đây là mô hình chăn nuôi cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Bùi Hằng

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!