Nhân nuôi Cà cuống: Giải pháp phát triển và sử dụng bền vững côn trùng làm thực phẩm
Côn trùng là một phần trong chế độ thực phẩm của con người ở nhiều nơi trên thế giới, giá trị dinh dưỡng của chúng được công nhận rộng rãi. Trong các nền văn hóa truyền thống, côn trùng được chế biến theo nhiều cách như: hấp, rang, hun khói, chiên, hầm…
Cà cuống có phân bố toàn cầu và được tìm thấy trong nhiều thuỷ vực nước ngọt như: Sông, suối, ao, hồ, ruộng lúa nước... Đặc biệt ở những môi trường có nhiều thực vật thuỷ sinh, nhiều hệ động vật sinh sống, sẽ là nơi rất thuận lợi cho sự sinh trưởng cũng như sinh sản. Vào mùa hè, con trưởng thành thường bay đến ánh sáng đèn và thường xuất hiện nhiều vào những ngày mưa. Mùa đông, Cà cuống sống dưới lớp bùn dày tránh lạnh giá, lúc này mọi hoạt động trao đổi chất giảm và hoạt động bắt mồi diễn ra rất ít. Đến mùa xuân bắt đầu cho thời điểm sinh sản, Cà cuống trưởng thành di chuyển tới các thuỷ vực nước ngọt như: Ao, hồ, ruộng lúa để đẻ trứng.
Sự phổ biến của loài côn trùng ăn được này bắt nguồn từ sự độc đáo của mùi hương trong cơ thể đến việc chế biến thực phẩm. Giá trị lớn nhất của Cà cuống là tuyến thơm, một loại gia vị đặc trưng. Hiện nay, ở Việt Nam và các nước vùng Đông Nam Á vẫn luôn coi Cà cuống là loại thực phẩm cao cấp và rất được ưa chuộng. Tại Việt Nam, các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi phía Bắc và các tỉnh có khí hậu, địa hình tương tự có điều kiện thuận lợi trong việc nhân nuôi Cà cuống làm thực phẩm, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Nhiệt độ và ẩm độ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình ấp trứng và tỷ lệ nở trứng của Cà cuống
Một trong các yếu tố cấu thành năng suất và hiệu quả trong nhân nuôi Cà cuống là thức ăn. Đối với cà cuống, loại thức ăn ưa thích, khối lượng thức ăn cho các giai đoạn phát triển là đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, Cà cuống là côn trùng săn mồi, chúng chủ yếu sẵn mồi dựa vào sự rung động và sự thay đổi ánh sáng của con mồi để bắt mồi, vì thế con mồi cho Cà cuống cần phải con mồi tươi sống, còn chuyển động, việc chuẩn bị đủ thức ăn tươi sống trong nuôi Cà cuống hiện là một thách thức rất lớn trong việc nhân nuôi Cà cuống. Do vậy, các cơ sở nhân nuôi Cà cuống cần chủ động về thức ăn. Bên cạnh đó, Cà cuống có đặc điểm sinh thái rất khác so với nhiều loài côn trùng khác, con đực có nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trứng, trong khi đó con cái thường xuyên có hành động ăn trứng. Để chủ động cho nguồn Cà cuống sinh sản vào các lứa nuôi sau, tỷ lệ đực: cái, nhiệt độ và ẩm độ nuôi là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình ấp trứng và tỷ lệ nở trứng của Cà cuống.
Ngoài ra, Cà cuống là côn trùng săn mồi dưới nước, chúng tiêu hóa thức ăn bằng cách tiêm chất độc có chứa enzyme tiêu hóa phân hủy protein vào con mồi sau đó dùng kiểu miệng chích hút, hút dinh dưỡng đã tiêu hóa từ cơ thể con mồi. Phần thức ăn thừa vẫn còn lưu lại trong môi trường, trong môi trường bể nuôi thì phần thức ăn thừa này chính là tác nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sống và là nguồn tác nhân gây bệnh cho Cà cuống. Chính vì thế, nuôi Cà cuống trong môi trường nuôi nhốt cần phải thường xuyên thay thế nước và có biện pháp xử lý nước hiệu quả để Cà cuống luôn khỏe mạnh và đảm bảo vệ sinh môi trường chuồng trại.
Mô hình thử nghiệm nuôi Cà cuống của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng
Việc nghiên cứu thành công quy trình và thử nghiệm mô hình nhân nuôi - chế biến Cà cuống thương phẩm trong quy mô chuồng trại phù hợp với sinh thái và điều kiện xã hội tại Việt Nam là cơ sở khoa học, nhân rộng mô hình ra cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát triển loại côn trùng quý hiếm vừa có giá trị dinh dưỡng vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đào Thùy Dương
Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng
-
2.
Mô hình liên kết trồng và tiêu thụ dưa chuột ở Lộc Yên
-
3.
Hiệu quả mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm
-
4.
Hòa Bình: Khuyến nông gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh, bền vững
-
5.
Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam - Nhật Bản kết nối chuỗi cung ứng nông sản