Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Lào Cai: Phấn đấu phát triển vùng rau chuyên canh đạt trên 2.400 ha vào năm 2030

Thứ Hai, 08:35 ngày 27/05/2024

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên của địa phương, phục vụ nhu cầu sử dụng rau ngày càng đa dạng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tỉnh Lào Cai xác định phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, từng bước hướng tới xuất khẩu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao sức khỏe cộng đồng...

Nông dân thị xã Sa Pa có thu nhập cao từ trồng rau theo hướng hữu cơ

Kế hoạch phát triển các vùng sản xuất rau an toàn của tỉnh Lào Cai tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030. Trong đó, duy trì và phát triển vùng rau chuyên canh tập trung toàn tỉnh đến năm 2030 đạt trên 2.400 ha, cụ thể diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt trên 30% tổng diện tích gieo trồng; sản lượng đạt trên 71.000 tấn. Ưu tiên phát triển các nhóm rau, quả chủ lực: Rau cải các loại, rau họ đậu và nhóm rau khác (su su, cà chua, rau bản địa...). Trong đó, dự kiến nhóm rau cải các loại chiếm khoảng 60% diện tích, rau họ đậu chiếm 10% diện tích và nhóm rau khác chiếm khoảng 30% diện tích. Mở rộng diện tích rau sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ, Global GAP,...) Tập trung chủ yếu tại các thị xã, huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Bảo Thắng.

Xây dựng 3 - 5 mô hình điểm, tổ hợp tác, tổ sản xuất rau an toàn, tập trung, có đầu tư cơ sở vật chất và được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đồng thời nâng cao trình độ, nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất trong việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn, chất lượng; nâng cao khả năng cạnh tranh, cung cấp thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Để đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành có liên quan có trách nhiệm đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn, xây dựng sản phẩm OCOP, gắn với cấp mã số vùng trồng để người tiêu dùng dễ dàng cập nhật các thông tin về sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, triển lãm, quảng bá, xúc tiến thương mại… để người tiêu dùng có đủ thông tin về sản phẩm rau của tỉnh Lào Cai.

Thị xã Sa Pa có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp sản xuất rau theo tiêu chuẩn, quy chuẩn

Xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chi phí phân tích mẫu và chi phí chứng nhận VietGAP và chi phí xúc tiến thương mại cho nông dân trồng rau; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến sản phẩm rau, hoa, quả. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương và tổ chức, cá nhân đẩy mạnh việc: Chứng nhận sản phẩm rau, trái cây đạt tiêu chuẩn (an toàn, VietGAP, GlobalGAP, organic)…

Khai thác lợi thế đối với diện tích đất ruộng 1 vụ, bố trí trồng tăng vụ, trồng vụ sớm và trái vụ để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế; lựa chọn các giống rau có thị trường tiêu thụ tốt, có giá trị kinh tế cao; bố trí thời vụ gieo trồng thích hợp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Xây dựng công thức luân canh khoa học, một vùng không trồng một loại cây trồng nhiều lần, không trồng cây cùng họ trên cùng một diện tích đất để giảm sâu bệnh hại cây trồng, luân canh giữa cây họ đậu với các cây trồng khác để cải tạo đất; bố trí trồng thành vùng tập trung, chuyên canh, hàng hoá; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào sản xuất như sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng, sử dụng nhà lưới, nhà màng, nhà công nghệ, hệ thống tưới,... đưa vào sản xuất. Bố trí trồng trái vụ, trồng tăng vụ trên đất ruộng 1 vụ bằng các giống rau có giá trị kinh tế và rau đặc sản như su su, cải mèo, bắp cải, cải ngồng, su hào, súp lơ, đậu hà lan, cà chua, bắp cải... ở các huyện vùng cao như Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát.

Vùng sản xuất rau cải Kale tại huyện Bắc Hà

Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng vùng trồng rau, ưu tiên tại các vùng tập trung; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chọn tạo giống rau mới có năng suất cao, phẩm chất tốt, kháng sâu bệnh, sưu tập, bảo tồn, phục tráng các giống địa phương, cung ứng đủ giống rau có chất lượng, giá trị kinh tế cao cho nhu cầu phát triển diện tích rau an toàn của tỉnh…

Đẩy mạnh công tác khuyến nông chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc; xây dựng các mô hình chuyển giao công nghệ như: Công nghệ thông minh (IOT), canh tác trên giá thể, tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM)…

                                                                                                         H. Lưu

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!