Khuyến nông phải là cầu nối giữa cơ quan quản lý với người dân, doanh nghiệp
Ngày 4/1/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam dự và chỉ đạo Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tại buổi tổng kết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong năm 2023, các dự án khuyến nông trung ương được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: chăn nuôi - thú y, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp…
Trong đó, lĩnh vực thủy sản tập trung chủ yếu vào thực hiện dự án khuyến ngư phục vụ tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững ở các đối tượng như tôm sú, tôm lúa, cá rô phi, diêu hồng, cá biển; tiếp tục thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức lại sản xuất và nâng cao năng lực sản xuất cho người dân…
Lĩnh vực trồng trọt - lâm nghiệp, đã tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, kinh tế xanh... Trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai thực hiện 12 dự án, với trên 30 mô hình. Kết hợp với một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên… xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ phát triển ngành nghề, du lịch nông thôn và các sản phẩm OCOP (8 dự án). Thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản (10 dự án). Phát triển vùng nguyên liệu chủ lực đảm bảo chất lượng, gắn với chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu như nông, lâm, thủy sản, lúa gạo, cây ăn quả ở một số tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long…
Lĩnh vực chăn nuôi - thú y, triển khai các dự án khuyến nông phát triển chăn nuôi tuần hoàn, hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAHP, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường…
Đặc biệt, trong năm 2023, mô hình khuyến nông cộng đồng đã được lan tỏa mạnh mẽ. Ngoài 13 tỉnh tham gia đề án thí điểm, đến nay cả nước đã có thêm 30 địa phương có tổ chức khuyến nông cộng đồng. Đây là kênh quan trọng nhằm kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân trong việc triển khai mô hình cũng như hỗ trợ rất tích cực người dân trong sản xuất nông nghiệp…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao hoạt động của công tác khuyến nông thời gian qua. Khẳng định khuyến nông là cầu nối giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và cơ quan quản lý địa phương cũng như đã hỗ trợ tích cực cho nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, cán bộ khuyến nông luôn là lực lượng xông xáo, tích cực, đi đầu, có mặt ở tất cả các lĩnh vực, hoạt động của ngành. Từ đó, giúp lan tỏa những chủ trương, định hướng phát triển của ngành tới nông dân.
Mô hình trồng cải công nghệ cao ở xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, biến động thị trường… do đó, hệ thống khuyến nông cần tiếp tục đổi mới tư duy, biến thách thức thành cơ hội. Sản xuất nông nghiệp luôn vận động, phát triển do đó khuyến nông cũng phải không ngừng vận động và phát triển. Bên cạnh đó, đổi mới hoạt động khuyến nông theo hướng đa phương thức, đa giá trị. Củng cố, hoàn thiện hệ thống khuyến nông cộng đồng ở các địa phương trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm để triển khai trong thời gian tới…
L.M.H
-
2.
Mô hình liên kết trồng và tiêu thụ dưa chuột ở Lộc Yên
-
3.
Hiệu quả mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm
-
4.
Hòa Bình: Khuyến nông gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh, bền vững
-
5.
Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam - Nhật Bản kết nối chuỗi cung ứng nông sản