Khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân tránh mưa lớn
Cục Trồng trọt vừa có Công văn gửi Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh phía Bắc về việc chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, mùa và vụ đông các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Cánh đồng lúa chất lượng cao ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, Quảng Trị
Công văn nêu: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ có xu hướng gia tăng trong thời kỳ từ tháng 5 - 7/2024. Mùa mưa tại khu vực Bắc bộ, Trung bộ có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm.
Báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết, hiện nay lúa đông xuân tại các tỉnh Bắc Trung bộ đang bước vào giai đoạn trỗ, chín sữa, chín sáp và một số diện tích lúa đã và đang thu hoạch. Tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc lúa đang ở giai đoạn phân hóa đòng, một số diện tích lúa gieo cấy sớm đã bước vào giai đoạn trỗ.
Nhằm chủ động ứng phó kịp thời với thời tiết bất thường, đảm bảo thắng lợi sản xuất lúa và rau màu vụ đông xuân và triển khai tốt kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ:
Đối với lúa vụ đông xuân: Với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch, các tỉnh Bắc Trung bộ cần bố trí tối đa nguồn nhân lực, máy móc khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa đông xuân đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do những đợt mưa kèm gió xoáy.
Trên các diện tích đã thu hoạch triển khai cày lồng vùi rơm rạ sớm, kết hợp xử lý chế phẩm sinh học (Trichoderma, AT-YTB…) để phân hủy nhanh rơm rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ với lúa vụ sau, đồng thời hạn chế cầu nối sâu bệnh cho vụ sau.
Với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, cần giữ nước mặt ruộng đảm bảo đủ nước cho cây lúa trong giai đoạn làm đòng, trỗ bông, vào chắc nhằm hạn chế tác động của nắng nóng.
Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và sâu, bệnh hại để chủ động phòng trừ sớm bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, rầy nâu… trên tất cả các trà lúa, chú ý những giống nhiễm sâu bệnh, vùng ổ dịch, chân đất trũng thấp...
Đối với vụ hè thu: Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương sớm xây dựng phương án sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể địa phương mình với một số lưu ý:
Thứ nhất, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch hoặc đề án gieo cấy lúa vụ hè thu, vụ mùa và vụ đông 2024 với định hướng mở rộng diện tích các giống lúa cực ngắn và ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất thuận.
Các tỉnh Bắc Trung bộ đảm bảo cho trà lúa hè thu chạy lụt sớm thu hoạch trước ngày 5/9, đối với vùng thấp trũng thu hoạch trước 20/8. Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc đảm bảo cho trà lúa mùa sớm ở các tỉnh thu hoạch trước ngày 25/9 để tạo quỹ đất làm cây vụ đông sớm. Hạn chế việc gieo thẳng ở những vùng thấp trũng, không chủ động tưới tiêu, thường xuyên bị ngập úng.
Thứ hai, đối với cây rau màu, cần rà soát lại diện tích gieo trồng của từng chủng loại, tuyên truyền tập huấn cho nông dân về sản xuất an toàn, ưu tiên phát triển những loại rau có đầu ra, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh sản xuất quá tập trung một loại gây dư thừa sản phẩm, giảm giá, giảm hiệu quả sản xuất.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường về vật tư nông nghiệp để hạn chế tối đa hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho nông dân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp các tỉnh cần phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, tăng cường công tác dự tính, dự báo, thông tin tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nhằm khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh hại.
TV
-
2.
Mô hình liên kết trồng và tiêu thụ dưa chuột ở Lộc Yên
-
3.
Hiệu quả mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm
-
4.
Hòa Bình: Khuyến nông gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh, bền vững
-
5.
Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam - Nhật Bản kết nối chuỗi cung ứng nông sản