Khẩn trương khắc phục sản xuất sau bão số 3
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc khẩn trương tập trung mọi nguồn lực thực hiện bơm thoát, tiêu úng không để ngập kéo dài, gây thiệt hại sau cơn bão số 3 (Yagi).
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT đến hết ngày 9/9/2024, bão số 3 đã gây ra: 148.170 ha lúa bị ngập úng, 25.649 ha hoa màu bị ngập úng, 11.038 ha cây ăn quả bị hư hại.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc khẩn trương tập trung mọi nguồn lực thực hiện bơm thoát, tiêu úng không để ngập kéo dài, gây thiệt hại. Hiện nay, đa số các trà lúa đang ở thời kỳ làm đòng, chuẩn bị trổ là giai đoạn mẫn cảm tới sinh trưởng, phát triển.
Cụ thể, với diện tích lúa giai đoạn trỗ, chín sữa, chín sáp, sau khi tháo cạn nước trong ruộng nông dân tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-4 gốc lúa lại với nhau bằng dây chuối hoặc dây rơm nếp hay dây ni lông thành hình chân kiềng để cho cây đứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc và chín.
Về cây ăn quả, nông dân cần khẩn trương khơi, thoát nước ngay, tránh để nước đọng trên vườn và xung quang các gốc cây, gây hiện tượng úng cục bộ.
Đối với cây chuối, cây chưa bị gãy thì cắt tỉa các lá bị gãy, vệ sinh đồng ruộng; khi đất đã se mặt bón phân với liều lượng thích hợp để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới. Cung cấp các dưỡng chất qua lá để tăng cường khả năng hồi phục của cây.
Đối với cây ăn quả có múi và cây ăn quả khác, nông dân cắt bỏ những cành gẫy, bị tổn thương nặng. Khi trời ngừng mưa, đất se mặt, xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng (sâu 5 - 10 cm) để phá váng, rễ cây có thể hút được oxy; khi phá váng xong cần che phủ gốc bằng rơm rạ, hoặc cỏ khô.
Sử dụng phân kích rễ tưới theo hình chiếu tán cây giúp phát triển rễ tơ mới; kết hợp phun phân bón lá giúp tăng cường khả năng hồi phục của cây. Tưới đủ ẩm thường xuyên trong những ngày nắng nóng, hanh khô, chống tình trạng cây mất nước. Khi đất se mặt, bón phân: ure, kaliclorua/cây để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới.
Về bảo vệ thực vật, các địa phương tăng cường dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại, bệnh hại trên các loại cây trồng sau bão. Phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Đối với lúa, địa phương có các biện pháp phòng trừ sự bùng phát của sâu bệnh hại như: rầy nâu, sâu sâu đục thân, bệnh bạc lá, đạo ôn, lùn sọc đen...; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn trên các diện tích gieo cấy giống nhiễm nặng.
Đối với diện tích lúa bị đổ ngã, nông dân cần kiểm tra mật độ rầy nâu, rầy lưng trắng, theo dõi chặt chẽ diễn biến phát sinh của rầy để hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời nơi có mật độ cao…
Nông dân phun phòng trừ bệnh hại trên cây ăn quả, bệnh loét bằng thuốc Bordeaux 1 - 2%; bệnh chảy gôm, loét bằng thuốc Ridomil MZ 72…
Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…); không để xảy ra tình trạng thiếu các loại vật tư nông nghiệp, đồng thời đảm bảo chất lượng các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.
B.N
-
2.
Mô hình liên kết trồng và tiêu thụ dưa chuột ở Lộc Yên
-
3.
Hiệu quả mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm
-
4.
Hòa Bình: Khuyến nông gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh, bền vững
-
5.
Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam - Nhật Bản kết nối chuỗi cung ứng nông sản