Hòa Bình: Khuyến nông gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh, bền vững
Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi ban tặng vùng hồ sông Ðà như một dải lụa đẹp và thơ mộng, được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn” có đầy đủ vịnh, đảo tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, chứa đựng tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, Hòa Bình có lợi thế rất lớn để phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng, có giá trị cao để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Du khách trải nghiệm bắt cá tại khu nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Hòa Bình
Vai trò của Khuyến nông trong phát triển du lịch nông nghiệp gắn với tăng trưởng xanh, bền vững
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình, những năm qua, lĩnh vực thủy sản đã đóng góp tỷ trọng khá cao trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp, trong đó chủ yếu là nghề nuôi cá lồng trên sông Đà. Đến nay, toàn tỉnh duy trì 2.695 ha nuôi cá hồ chứa, 4.987 lồng nuôi cá, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác năm 2024 ước đạt 12.500 tấn. Cùng với nỗ lực khai thác giá trị kinh tế của ngành thủy sản, các xã vùng hồ Hòa Bình đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch Quốc gia và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành “Đề án Phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030” với mục tiêu là tỉnh Hòa Bình sẽ xây dựng 8 vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè tập trung gắn với các tua, tuyến, điểm du lịch khu vực hồ Hòa Bình, không xung đột với giao thông thủy, đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt và không tác động tiêu cực đến vận hành thủy điện. Số lồng nuôi thủy sản ở hồ Hòa Bình vào khoảng hơn 10.000 lồng, sản lượng đạt 16.000 tấn/năm; giá trị sản xuất thủy sản đạt 500 tỷ đồng/năm. 100% cơ sở nuôi cá lồng nắm được kiến thức về kỹ thuật nuôi cá lồng, bảo vệ môi trường sinh thái và nghiệp vụ hướng dẫn, quản lý hoạt động du lịch. 80% cơ sở nuôi cá lồng áp dụng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) hoặc tương đương. Nuôi trồng thủy sản hồ Hòa Bình sẽ kết hợp với các hoạt động du lịch như tham quan, học tập, câu cá giải trí và trải nghiệm về nuôi thủy sản, tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, góp phần thu hút khoảng 1.600.000 lượt khách du lịch đến với Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động với khoảng 1.600 lao động trực tiếp.
Thực hiện chủ trương chính sách của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT Hòa Bình, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình đã thể hiện vai trò của mình trong phát triển du lịch nông nghiệp gắn với tăng trưởng xanh, bền vững. Đó là, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã làm tốt trong công tác tham mưu, tổ chức, thực hiện Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất, lần thứ 2; Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Trung du, miền núi phía Bắc; Hội nghị chuyên ngành thủy sản toàn quốc chủ đề “Phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa”; Tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ Hòa Bình; Tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, tinh hoa ẩm thực truyền thống; Tổ chức giải thi câu thể thao trên lòng hồ Hòa Bình gắn với quảng bá văn hóa và giới thiệu cảnh quan du lịch hồ Hòa Bình...”. Gần đây nhất vào ngày 19 tháng 11 năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” với mục tiêu Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với du lịch sinh thái; thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, tìm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đề xuất các chương trình hành động cụ thể trong triển khai các hoạt động khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp góp phần vào việc tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Hoà Bình nói riêng và các tỉnh nói chung.
Du khách thăm quan trên lòng hồ Hòa Bình
Nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch trên lòng hồ Hòa Bình mang lại giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái
Những năm qua, việc phát triển nghề nuôi cá lồng ở vùng lòng hồ Hoà Bình không chỉ tạo ra các sản phẩm tôm, cá sông Đà hấp dẫn thực khách gần xa, mà còn là điểm nhấn thú vị để du khách có thể ghé thăm, trải nghiệm, thưởng thức các món ăn đặc trưng của người dân tộc Mường tại nơi đặt các lồng cá, giữa mênh mông sóng nước. Nắm bắt xu hướng, nhu cầu của khách du lịch khi đến hồ Hòa Bình, nhiều hộ gia đình đã phát triển mô hình nuôi cá lồng gắn với phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, tại Hòa Bình có khoảng trên 20 hộ nuôi trồng thủy sản trên hồ Hòa Bình đã đăng ký loại hình hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái.
Đến thăm cơ sở nuôi cá của Công ty TNHH Thủy sản Hải Đăng - doanh nghiệp đầu tư bài bản, có quy mô lớn trên khu vực hồ Hòa Bình. Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng là một trong những doanh nghiệp nuôi cá lồng quy mô lớn trên hồ Hòa Bình kết hợp với chế biến. Sản phẩm chủ yếu là trắm đen, lăng vàng, lăng đen, lăng đuôi đỏ, chép giòn, rô phi và một số loại khác được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Không chỉ nuôi trồng, Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng đã chế biến sản phẩm ruốc cá trắm đen, lăng vàng, lăng đen sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, HACCP là quy trình khép kín, kiểm soát chặt chẽ các khâu từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm hoàn chỉnh. Sản phẩm ruốc cá đã tham gia Chương trình OCOP của tỉnh và đạt chứng nhận 4 sao năm 2020. Nhận thấy tiềm năng phát triển nghề nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch, năm 2023, công ty đã mở rộng sang các dịch vụ du lịch sinh thái trên hồ thủy điện Hòa Bình với chuỗi nhà hàng, nhà nghỉ, đội tàu du lịch cùng đội ngũ nhân viên, đầu bếp chuyên nghiệp. Với sự tâm huyết và hướng tới chất lượng chuyên nghiệp, các dịch vụ của Hải Đăng sẵn sàng phục vụ du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại vùng hồ Hòa Bình. Chị Nguyễn Thị Dung - Giám đốc điều hành Công ty Hải Đăng cho biết, mô hình nuôi cá trên lòng hồ Hòa Bình kết hợp với du lịch sinh thái trên lòng hồ đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trước khi phát triển thêm các dịch vụ du lịch, công ty chỉ nuôi khoảng 200 - 250 lồng cá, hiện đã tăng lên 300 lồng với sản lượng đạt 625 tấn. Thông qua các dịch vụ du lịch, nhiều du khách, khách hàng biết đến sản phẩm cũng như chất lượng cá của công ty hơn, do đó, thị trường bán sản phẩm cá của Hải Đăng tăng cả về số lượng và quy mô. Ngoài ra, chị Dung chia sẻ thêm: “Cá của Công ty Hải Đăng đã vào được chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và một số siêu thị lớn. Để vào được thị trường lớn và các kênh phân phối "khó tính" như hiện nay, trước tiên Công ty đã quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng cá sạch, tươi, thịt chắc, giàu dinh dưỡng khi đến với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, các đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cá sạch sông Đà đến với người tiêu dùng”. Đặc biệt là tại Lễ hội tôm, cá sông Đà lần thứ 2, Hải Đăng vinh dự được Ban Tổ chức lễ hội lựa chọn là một trong hai doanh nghiệp có sản phẩm được đấu giá vào tối khai mạc. Cụ thể là con cá tầm 45 kg của Công ty đã được bán đấu giá thành công với giá 150 triệu đồng.
Khu nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Hòa Bình
Thăm mô hình nuôi cá kết hợp làm du lịch tại hộ gia đình anh Nguyễn Thành Chung ở xóm Vôi, phường Thái Bình, thành phố Hoà Bình. Anh Chung cho biết, từ nhỏ anh đã gắn bó với sông nước vùng lòng hồ Hoà Bình. Khi lập gia đình, anh Chung bắt đầu đầu tư nuôi cá lồng với khoảng 10 lồng cá. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng khá bấp bênh, năm được, năm mất do nước sông Đà thường cạn vào mùa khô, lại hay dịch bệnh nên thu nhập gia đình anh chẳng đáng là bao, làm quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Mấy năm trở lại đây, nhận thấy ngày càng có nhiều khách du lịch thăm quan lòng hồ Hoà Bình vui chơi, trải nghiệm, nhất là vào các dịp lễ, anh Chung đã mạnh dạn đầu tư làm nhà nổi trên hồ, kết hợp dịch vụ ăn uống, câu cá, chèo thuyền… để đón du khách gần xa tới tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi tại nhà nổi của gia đình.
Ngoài ra, anh còn đầu tư 2 chiếc thuyền du lịch khoảng 40 chỗ ngồi để đón khách từ cảng Bích Hạ ghé thăm các mô hình nuôi cá lồng của các hộ trong xóm, đưa khách đi tham quan các điểm du lịch nổi tiếng của hồ Hoà Bình như đền chúa Thác Bờ, hang Miếng… Nhờ đó mà gia đình anh có thu nhập ổn định, mỗi năm thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ việc nuôi cá, kinh doanh dịch vụ du lịch.
Phúc Khôi
-
2.
Mô hình liên kết trồng và tiêu thụ dưa chuột ở Lộc Yên
-
3.
Hiệu quả mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm
-
4.
Hòa Bình: Khuyến nông gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh, bền vững
-
5.
Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam - Nhật Bản kết nối chuỗi cung ứng nông sản