Hà Nội tích cực chăm sóc lúa xuân
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hà Nội, vụ xuân năm 2024, toàn thành phố phấn đấu gieo trồng 101.498 ha, trong đó, có 79.876 ha lúa và 21.622 ha rau màu các loại. Đến nay, toàn thành phố đã cơ bản hoàn thành gieo cấy diện tích lúa xuân (khoảng 99%), sớm hơn trong khung thời vụ 4 - 5 ngày so với mọi năm.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội kiểm tra sản xuất lúa xuân tại các huyện ngoại thành
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hà Nội cho biết, để đảm bảo tiến độ và diện tích gieo cấy đúng khung thời vụ và kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm với sự chỉ đạo của thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương đã lấy đủ nguồn nước gieo cấy và tưới dưỡng sau cấy. Hiện nay, cây lúa đang ở giai đoạn mới cấy, bén rễ, hồi xanh. Diện tích cấy sớm đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Trong khi dự báo thời gian tới, các đối tượng như ốc bươu vàng, chuột hại, bệnh đạo ôn lá… gây hại mạnh. Vì vậy, công tác chăm sóc cần được đặc biệt chú trọng.
Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra đồng ruộng, điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo, tập trung hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng đúng kỹ thuật. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng để xử lý kịp thời.
Ông Lê Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, bà con nông dân cần duy trì mực nước từ 2 – 3 cm trên mặt ruộng; thực hiện bón thúc kịp thời, khi nhiệt độ không khí trung bình cao hơn 150C; tiến hành sục bùn để giúp lúa đẻ nhánh nhiều và tập trung…
“Để bảo đảm hiệu quả sản xuất lúa, Chi cục đang chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã tăng cường hướng dẫn nông dân biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại; kịp thời ra thông báo hướng dẫn khi sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ, không để lây lan diện rộng. Đối với lúa đang hồi xanh, đẻ nhánh rộ, bà con áp dụng đồng bộ các biện pháp giữ nước đều mặt ruộng, bón thúc tập trung khi lúa ra rễ trắng, đồng thời bón đủ NPK theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông…”, ông Lê Xuân Trường khuyến cáo.
TV
-
2.
Mô hình liên kết trồng và tiêu thụ dưa chuột ở Lộc Yên
-
3.
Hiệu quả mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm
-
4.
Hòa Bình: Khuyến nông gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh, bền vững
-
5.
Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam - Nhật Bản kết nối chuỗi cung ứng nông sản