Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Lĩnh vực thủy lợi - phòng chống thiên tai có vai trò đặc biệt trong ngành nông nghiệp

Thứ Ba, 15:46 ngày 03/10/2023

Ngày 3/10/2023 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực thủy lợi - phòng chống thiên tai. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến dự và chỉ đạo Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội thảo

Ông Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, trong 10 năm qua (từ 2013 - 2023) khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thủy lợi - phòng chống thiên tai đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã áp dụng triển khai trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, đã đưa công nghệ dự báo và giám sát hạn hán, xâm nhập mặn được triển khai tại đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long; các giải pháp giảm thiểu tác động của thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn vùng bán đảo Cà Mau; xây dựng các kịch bản, các giải pháp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với diễn biến nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu chỉnh trị sông Hồng nhằm đảm bảo ổn định lòng sông thoát lũ, đề xuất giải pháp và kế hoạch ứng phó khẩn cấp, lũ lớn do vỡ đập trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình; xây dựng hệ thống giám sát và điều hành lũ trên lưu vực sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn để đảm bảo an toàn cho các công trình vùng hạ du; xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du, nước dâng cho một số tỉnh ven biển như: Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, đồng bằng sông Cửu Long…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, nền kinh tế nước ta phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, nếu như thời tiết khí hậu thuận lợi thì đó là điều kiện tốt để nông nghiệp phát triển, nhưng khi gặp thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, bão, mưa lớn, ngập lụt, thời tiết cực đoan thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống của người dân, đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, hoạt động thuỷ lợi và phòng chống thiên tai là cái gốc để tái cơ cấu nông nghiệp, để tăng trưởng ngành nông nghiệp và phát triển bền vững, góp phần quan trọng ổn định nền kinh tế của đất nước.

Thời gian qua, lĩnh vực thủy lợi - phòng chống thiên tai đã có những bước tiến quan trọng. Nhiều công trình mang tầm cỡ khu vực, đặc biệt quan trọng đã được triển khai, phục vụ phát triển ngành nông nghiệp như: Công trình thủy lợi hồ Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Dầu Tiếng - Phước Hòa. Ngoài ra, còn có hàng trăm hệ thống công trình thủy lợi vừa và lớn (có nhiệm vụ tưới hoặc tiêu thoát nước cho trên 2.000 ha). Các hệ thống công trình thuỷ lợi còn thực hiện nhiệm vụ cắt, giảm lũ, tiêu úng, ngăn lũ, triều cường, tạo điều kiện phát triển đa dạng hoá cây trồng, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để đạt được những thành tự đó, thời gian qua lĩnh vực thủy lợi - phòng chống thiên tai đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cũng như đổi mới sáng tạo. Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, tiến bộ kỹ thuật, sổ tay,… đáp ứng yêu cầu được chuyển giao vào thực tế như công nghệ dự báo và giám sát hạn hán, xâm nhập mặn triển khai ứng dụng tại vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long; công nghệ đập trụ đỡ, xà lan xây dựng các công trình kiểm soát nguồn nước tiếp tục được phát triển để ứng dụng cho các công trình có quy mô, khẩu độ lớn hơn như các công trình chống ngập cho thành phố Hồ Chí Minh, cống Cái Lớn - Cái Bé...

Các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Ngoài ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý, trước diễn biến bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu ngày một khó lường, lĩnh vực thủy lợi - phòng chống thiên tai cần tập trung vào một số vấn đề như: Nghiên cứu ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến, công nghệ số trong đánh giá, nhận dạng, dự báo, cảnh báo diễn biến nguồn nước, chất lượng nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, bồi lắng, xói lở bờ sông, bờ biển,… đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ 4.0 trong lĩnh vực thủy lợi - phòng chống thiên tai, trong đó tập trung vào đẩy mạnh việc nghiên cứu tích hợp các công cụ, hệ thống, thiết bị tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh, đồng bộ, sử dụng trí tuệ nhân tạo nâng cao độ chính xác trong công tác đánh giá, dự báo, cảnh báo phục vụ công tác thủy lợi - phòng chống thiên tai... 

                                                                         L. Hải

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!