Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bèo hoa dâu – Tiềm năng và thách thức trong sản xuất nông nghiệp bền vững

Thứ Năm, 15:15 ngày 08/08/2024

Đó là chủ đề Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức ngày 8/8/2024 tại Hà Nội do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì.

Toàn cảnh Hội thảo

Mở đầu Hội thảo, ông La Nguyễn, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho biết, bèo hoa dâu (Azolla) là loài thực vật có tốc độ phát triển nhanh, có thể làm thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu sinh học, phân bón sinh học… Tuy nhiên, việc sản xuất bèo hoa dâu với số lượng lớn đòi hỏi nhiều công sức lao động. Do đó, hiểu cơ chế về các cách thức sản xuất bèo hoa dâu có chi phí thấp hơn sẽ góp phần tăng năng suất. Cần quan tâm phát triển các cơ sở sản xuất giống bèo để phục vụ cho sản xuất (có thể chọn nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm hay sản xuất trong nhà theo quy mô công nghiệp). Định mức cho sản xuất giống cũng cần được quan tâm xây dựng…

Bà Phạm Thị Thu, Chi cục Trồng trọt và BTVT tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, một số mô hình sử dụng bèo hoa dâu như làm phân bón cho lúa, làm thức ăn cho ốc nhồi đen; canh tác lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá chép và bèo hoa dâu gắn với du lịch cộng đồng… trên địa bàn tỉnh đang triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, hiện chưa có định mức để xây dựng mô hình, chủ yếu lồng ghép vào các lớp tập huấn, mô hình nên diện tích ứng dụng còn ít, nhỏ lẻ. Đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật cho mô hình bèo hoa dâu. Các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá cụ thể về lượng phân giảm, lượng phát khí thải giảm khi sử dụng bèo hoa dâu. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ cho các mô hình bèo hoa dâu nhằm giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Phó Giám đốc HTX Vân Hội Xanh (Vĩnh Phúc) đánh giá, bèo hoa dâu không cạnh tranh không gian, dinh dưỡng với cây trồng chính; chi phí đầu tư thấp, là nguyên liệu đầu vào hữu cơ với giá thành rất thấp. Mỗi xã nên có mô hình bèo hoa dâu với quy mô 2-5 ha. Hằng năm, sản xuất và cung ứng giống tươi cho thị trường tại chỗ từ 500 tấn trở lên. Bèo hoa dâu có thể làm phân bón hữu cơ nhằm phục vụ phát triển trồng trọt.

Ông Phạm Gia Minh, Trung tâm Bèo hoa dâu Việt Nam-Azovi kiến nghị, cần sớm có chính sách phân loại bèo hoa dâu thuộc nhóm phân bón hay cây trồng và phải có cơ quan được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao làm đầu mối với chức năng, nhiệm vụ cụ thể để thực thi chủ trương phát triển…

Bèo hoa dâu thân thiện với môi trường

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, thế giới đang đi theo hướng nông nghiệp thuận thiên, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, việc sử dụng bèo hoa dâu giúp giảm phân bón hóa học cho cây trồng, qua đó giảm chi phí sản xuất. Do vậy, giá trị mà bèo hoa dâu mang lại cho người nông dân không hề nhỏ. Từ những kinh nghiệm đã đúc rút qua nhiều thế hệ và các mô hình bèo hoa dâu hiệu quả, cần tiếp cận theo chiều sâu, có cơ sở xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật để sớm nhân rộng…

TV

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!