Khoa học công nghệ phải mang tính đột phá

Thứ Hai, 15:10 ngày 20/05/2024

Sáng ngày 20/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo báo cáo của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) trong vòng 10 năm trở lại đây, lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã giúp cải thiện cơ cấu giống và tăng năng suất cây trồng vật nuôi. Cụ thể, đã công nhận 529 giống mới (trong đó, 393 giống cây trồng, 12 giống thủy sản; 82 giống cây lâm nghiệp và 42 giống vật nuôi). Trong đó, các giống lúa của Việt Nam đã được các nhà khoa học chọn tạo đã được chuyển giao và ứng dụng trên phạm vi cả nước với diện tích khoảng 6,2 triệu ha, chiếm gần 80% diện tích lúa cả nước. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long, các giống lúa do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo chiếm trên 80% diện tích cả vùng, trong đó riêng giống lúa OM5451 đã được gieo trồng trên diện tích gần 1.000.000 ha. Các giống cây ăn quả hiện nay năng suất bình quân đạt hơn 10 tấn/ha, tổng sản lượng quả đạt khoảng 12,8 triệu tấn, tăng 6 triệu tấn so năm 2013 (6,8 triệu tấn). Trong các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp do áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng đều tăng. Đối với lĩnh vực thủy lợi, nhiều công nghệ mới mang tầm quốc tế và khu vực trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai đã được nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn để phục vụ thiết kế, thi công xây dựng như công trình thủy lợi Cái lớn Cái bé và nhiều hệ thống công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai trên khắp đất nước phục vụ nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội…

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, khoa học công nghệ ngày càng có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực vào tăng trưởng ngành nông nghiệp. Ngày nay, khoa học và công nghệ được coi là xương sống và đang trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp và vô cùng quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đồng thời mở ra triển vọng to lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Trích câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...”. Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong sản xuất nông nghiệp cần ứng dụng khoa học công nghệ một cách mạnh mẽ, đồng bộ, có chiều sâu; khoa học công nghệ bây giờ phải mang tính đột phá gắn với phát triển bền vững, giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn theo chuỗi giá trị, mang lại giá trị gia tăng…

                                                                                              P.V

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!