Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Khoa học, công nghệ đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành chăn nuôi

Thứ Sáu, 08:05 ngày 25/08/2023

Trong 2 ngày 23-24/8/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực chăn nuôi - thú y. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến dự và chỉ đạo tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành chăn nuôi đã trở thành một ngành sản xuất quan trọng, cung cấp cho thị trường các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như: Thịt, sữa, trứng,… đưa Việt Nam từ chỗ thiếu thực phẩm, đến nay đã cung cấp đủ và dư thừa cho tiêu dùng trong nước, một số sản phẩm đã được xuất khẩu. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành chăn nuôi vẫn duy trì tăng trưởng suốt 10 năm qua, đóng góp gần 27% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, vẫn là một trong những trụ cột của ngành nông nghiệp. Trong đó, khoa học công nghệ đã có những đóng góp quan trọng, tích cực vào sự phát triển của ngành chăn nuôi.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Giang Thu, giai đoạn 2020 - 2023, đã có 31 tiến bộ kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận, trong đó có 6 dòng, giống lợn mới; 15 dòng, giống gia cầm; 2 tiến bộ kỹ thuật về dinh dưỡng; 5 tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực thú y và 3 tiến bộ kỹ thuật về xử lý môi trường chăn nuôi. Việc ứng dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng cho biết, giai đoạn từ 2018 - 2022, ngành chăn nuôi duy trì tăng trưởng ở mức bình quân 4,5 - 5%/năm, đóng góp 22,5 - 26,7% trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 6,5%/năm, sản lượng sữa 4,7%/năm và sản lượng trứng 11,9%/năm. Lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng. Các tiến bộ kỹ thuật được công nhận tập trung chủ yếu ở lĩnh vực giống, thức ăn chăn nuôi, chuồng trại, xử lý môi trường chăn nuôi.

Viện trưởng Viện Chăn nuôi Phạm Công Thiếu cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian qua luôn duy trì ở mức cao chính là nhờ khoa học và công nghệ, đã áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ mới từ thức ăn, con giống, quy trình nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh và xử lý môi trường…

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu dự Hội nghị cũng cho rằng, chăn nuôi và thú y hiện vẫn còn một số hạn chế như: Chất lượng giống của một số vật nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chưa có nhiều nghiên cứu về giống, dinh dưỡng, kỹ thuật chăn nuôi và thú y, phòng bệnh. Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đặc biệt là giống vi sinh vật, giống virus dùng trong sản xuất vaccine còn khó khăn...

Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi và thú y cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu ứng dụng các quy trình công nghệ mới, tiên tiến, ứng dụng công nghệ số nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh…

Bảo Nhi

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!